Nhiều lao động mất việc khi bước qua tuổi 40
Anh Nguyễn Văn Chinh (47 tuổi), một công nhân tại Nam Định cho biết, cuối năm 2022, công ty đã không tái ký hợp đồng với gần 300 công nhân trong độ tuổi từ 55 - 60 tuổi. Những lao động từ 45 - 55 tuổi có tay nghề yếu cũng nằm trong danh sách mất việc. Theo đó, đối với công nhân, bước qua tuổi 50, tay chân bắt đầu chậm dần, mắt cũng không còn sáng như trước, khi làm việc, rất dễ nhầm lẫn, sai sót ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hàng hóa, vì vậy dễ mất việc làm.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong hơn 166.000 người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp năm 2023 ở thành phố, có gần 48.000 người trên 40 tuổi, chiếm gần 30% - thông tin vừa được bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh cho biết ngày 10.1. Trong năm 2023, số lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tăng 10% so cùng kỳ; họ bị mất việc do các doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc một số khác muốn chuyển đổi công việc.
Phân tích nguyên nhân lao động lớn tuổi mất việc tăng, chuyên gia lao động Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng phòng dịch vụ Khoán việc và cho thuê lại lao động miền Nam - ManpowerGroup Việt Nam (Công ty cung ứng giải pháp nhân sự) cho rằng, khi gặp khó khăn về đơn hàng, kinh doanh, các nhà máy sản xuất buộc phải tính toán lại quy mô lao động; doanh nghiệp sẽ ưu tiên giữ lại lao động trẻ để tiếp tục đào tạo, chờ phục hồi. Đối với ngành sản xuất thâm dụng lao động nhận lương theo thời gian, lương tăng định kỳ, nhân sự lâu năm đồng nghĩa lương cao nên dễ rơi vào nhóm bị cắt giảm.
Ngoài ra, thời gian qua, tại nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận tình trạng lao động làm lâu năm, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm cũng chủ động nghỉ để chờ nhận trợ cấp một lần. Trong hơn 166.000 người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, lao động không có trình độ, bằng cấp, chứng chỉ chiếm đến 51%, mức hưởng trợ cấp bình quân hơn 5,5 triệu đồng mỗi tháng.
Bố trí công việc phù hợp với độ tuổi
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi cách suy nghĩ, tư duy làm việc ở một công ty suốt đời, mà thay vào đó, khi không còn việc làm hoặc người lao động quá tuổi phù hợp để tuyển dụng, họ cần thay đổi tư duy để chuyển đổi sang công việc khác tốt và phù hợp hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, người lao động đã quen với việc làm ổn định, lâu dài mà không nhìn thấy việc làm phải phụ thuộc vào năng suất lao động; khi kinh tế thị trường càng phát triển thì những quyết định về tuyển dụng lao động của chủ sử dụng lao động phải dựa trên giá trị gia tăng mà nguồn lao động ấy mang lại. Nhiều ngành năng suất lao động sẽ tăng ở nhóm trẻ, sau đó sẽ giảm ở một độ tuổi nhất định. Lao động ở nhóm trẻ chủ yếu sử dụng ở sức khỏe (nhanh tay, nhanh mắt) trong khi đó nhóm lao động độ tuổi cao sẽ sử dụng kinh nghiệm nhiều hơn.
"Nhìn nhận được đó là quy luật khách quan thì sẽ hiểu được doanh nghiệp sa thải hoặc không tuyển lao động ngành dệt may, da giày… ở nhóm tuổi cao để bảo đảm năng suất lao động. Nếu doanh nghiệp vẫn giữ nhóm lao động ấy, đến lúc năng suất không bảo đảm thì cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều gặp thiệt thòi. Người lao động sẽ mất cơ hội tái hòa nhập thị trường lao động" - bà Hương nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, không nên nghĩ lao động tuổi cao không có cơ hội công việc trong thị trường lao động; bà Hương lấy ví dụ, công nhân may ở độ tuổi trên 40 khi nghỉ việc ở các doanh nghiệp, nếu có kỹ năng, kinh nghiệm, họ hoàn toàn có thể mở cửa hàng may hoặc xin việc dịch vụ trong ngành may. Đương nhiên, doanh nghiệp và cơ quan liên quan cần hỗ trợ vay vốn để mở cửa hàng tiếp tục công việc này.
Còn theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), để bảo vệ quyền lợi người lao động, các quy định về thời gian hợp đồng phải được giám sát để nếu có việc "lách luật", ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì phải có can thiệp. Nếu hiện tượng này là phổ biến thì điều chỉnh chính sách, bảo đảm việc làm cho người lao động, bố trí các công việc phù hợp với độ tuổi người lao động để tránh tình trạng sẽ có một lực lượng lao động lớn tuổi không có cơ hội làm việc tiếp.
Ngoài ra, bà Kim Ngân cũng cho biết, ở góc độ người lao động, họ cần phải có ý thức nâng cao, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc, chứ không phải chỉ làm một việc đơn giản trong vòng nhiều năm. Như vậy, họ sẽ có thể bị ra khỏi thị trường lao động bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại.