
Kế hoạch nêu rõ, công tác tuyên truyền phải được tổ chức một cách chủ động, thường xuyên, liên tục và linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đến người sử dụng lao động, người lao động, học sinh, sinh viên, nhóm yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, BHXH Việt Nam xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai đồng bộ.
Thứ nhất, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trên địa bàn.
Thứ hai, toàn hệ thống BHXH cần quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị đối với công tác tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, cụ thể là Chỉ thị số 07/CT-TTg, Chỉ thị số 30-CT/TW, Quyết định số 1676/QĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người dân và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tư, nhận diện và khắc phục triệt để những hình thức tuyên truyền chưa hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát, đánh giá tính thiết thực và hiệu quả của từng hình thức truyền thông đang thực hiện.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và nền tảng số trong công tác truyền thông chính sách. Việc tích hợp công nghệ vào hoạt động tư vấn, giải đáp chính sách không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
Thứ sáu, cần có các giải pháp nâng cao năng lực hỗ trợ, giải đáp của các hệ thống tương tác trực tuyến như tổng đài, fanpage Facebook, Zalo OA, ứng dụng VssID, email... Đồng thời, hệ thống câu hỏi - đáp chính sách trên các nền tảng này cũng phải được chuẩn hóa, cập nhật thường xuyên, giúp người tham gia BHXH, BHYT dễ dàng tìm kiếm và tự giải quyết vướng mắc.

Công tác tuyên truyền chính sách BHXH được tổ chức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng
Thứ bảy, chú trọng xây dựng và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền. Kế hoạch yêu cầu tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; mở rộng mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền tại cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt của tổ trưởng dân phố, già làng, trưởng bản… trong việc đưa chính sách đến gần hơn với người dân.
Thứ tám, đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Các đơn vị cần thực hiện phân công nhiệm vụ rõ ràng, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo phương châm hành động: "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả".
Thứ chín, duy trì chế độ chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá định kỳ về công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách. BHXH Việt Nam yêu cầu đưa tiêu chí tuyên truyền vào nội dung thi đua, khen thưởng hằng năm của các cơ quan, đơn vị; đồng thời, kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác truyền thông chính sách an sinh xã hội.
Với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và đổi mới toàn diện, BHXH Việt Nam kỳ vọng công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH, BHYT năm 2025 sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào hệ thống an sinh quốc gia, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.