
Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Chuẩn đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ngay tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa - nhân chuyến thăm, kiểm tra công tác trực chiến tại các đảo ở Trường Sa của Đoàn công tác số 8, Quân chủng Hải quân.
Chiến công có ý nghĩa chiến lược
- Thưa Tư lệnh, cách đây 50 năm, với những phương tiện vũ khí còn hạn chế, lực lượng hải quân và Quân khu 5 đã thần tốc tiến ra giải phóng các đảo của Trường Sa. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa lịch sử của cánh quân thứ 6 tiến ra giải phóng đảo, cùng với các cánh quân trong đất liền để tạo nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975?
- Cách đây tròn 50 năm, với khí thế tiến công thần tốc, của quân và dân ta, bộ đội hải quân đã phối hợp với một bộ phận của lực lượng vũ trang Quân khu 5 chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa. Đây là một chiến công có ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc trong mùa xuân năm 1975. Chiến công này thể hiện việc quân chủng hải quân đã nắm chắc và dự báo chính xác tình hình trên hướng biển để kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc mở hướng tấn công trên biển giải phóng Trường Sa. Quyết định sáng suốt, xác định đúng thời cơ của Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tinh thần mưu trí, sáng tạo của bộ đội hải quân trong chiến đấu; cách bố trí sử dụng lực lượng, phương án chiến đấu bí mật, bất ngờ.

Kết thúc chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 4 tập thể được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
- Hiện nay, công tác chiến đấu và bảo vệ quần đảo Trường Sa được quân chủng hải quân thực hiện như thế nào, thưa Tư lệnh?
- Thời gian qua, các lực lượng hải quân đã quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của nước ngoài. Từ đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần cảnh giác, giữ vững đối sách, kiên quyết, kiên trì, sẵn sàng tâm thế trong bất luận hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, duy trì nghiêm túc nền nếp, các chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình trên biển, kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các quyết sách bảo vệ biển đảo.
Quan trọng nhất là tăng cường huấn luyện, diễn tập theo đúng phương châm: "cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ chuyên sâu, sát với tình hình, sát với chiến trường, sát với vũ khí trang bị được biên chế; tập trung xây dựng quân chủng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đưa vào biên chế những trang bị vũ khí thiết bị mới hiện đại, phù hợp với phương thức tác chiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực sự là thành trì, lá chắn vững chắc nơi tiền tiêu của Tổ quốc
- Từng kinh qua nhiều chức vụ trong quân chủng hải quân, có nhiều năm chiến đấu, gắn bó với quần đảo Trường Sa, Tư lệnh nhìn nhận như thế nào về những đổi thay của Trường Sa sau 50 năm giải phóng?
- Sau 50 năm đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng với sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam. Với phương châm xây dựng đảo "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân", Trường Sa hôm nay đã được quan tâm, xây dựng ngày càng vững chắc hơn, đẹp hơn, khang trang hơn. Những dự án, chương trình lớn đã được triển khai, đặc biệt là chương trình: "xanh hóa Trường Sa"; "góp đá xây Trường Sa"; "Hải quân Nhân dân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển"... Nhờ những chương trình này đã xây dựng nên các âu tàu, trường học, nhà văn hóa, hải đăng, hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời... mang lại những giá trị hết sức thiết thực cho đời sống của bộ đội và Nhân dân trên đảo. Đảo ngày càng thay da, đổi thịt, thực sự là thành trì, lá chắn vững chắc nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
50 năm sau ngày Giải phóng Trường Sa, hành trình bảo vệ chủ quyền vẫn chưa từng ngơi nghỉ. Giữa bạt ngàn sóng gió, thế hệ người lính hôm nay bằng trí tuệ và lòng quả cảm đang tiếp bước cha anh, dựng nên những “pháo đài” giữa đại dương, những mầm xanh của sự sống, những ngọn đuốc của niềm tin. Trường Sa không chỉ là phên giậu, là chủ quyền mà còn là trái tim thao thức của Tổ quốc.
Trong những năm quân ngũ, tôi đã nhiều lần công tác, thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Mỗi lần đặt chân lên đảo là một dấu ấn, kỷ niệm không thể nào quên. Điều làm tôi xúc động nhất là tinh thần kiên trung của quân và dân trên các đảo. Họ thực sự là những tấm gương sáng ngời về tình yêu tổ quốc, tình yêu biển đảo. Tất cả những ai đến với Trường Sa đều khâm phục nghị lực và ý chí của quân và dân trên đảo. ”Mang ra tình cảm, mang về niềm tin”, những ai đi Trường Sa trở về sẽ thấy ý thức hơn về tình yêu tổ quốc.
- Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua, định hướng phát triển của quân chủng hải quân như thế nào để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới, thưa Tư lệnh?
- Thời gian tới, dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, khó lường. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân sẽ tập trung xây dựng quân chủng vững mạnh về chính trị. Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ hải quân; quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, tập trung xây dựng lực lượng theo hướng tinh - gọn - mạnh. Xây dựng các thành phần lực lượng; ưu tiên xây dựng các đơn vị đặc thù như: tàu ngầm, không quân hải quân, tên lửa bờ... đáp ứng yêu cầu trong điều kiện tác chiến công nghệ cao.
- Xin trân trọng cảm ơn Tư lệnh!