Theo thông tin được nêu trong báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Hội thảo Tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu bảo hiểm thất nghiệp và đặc biệt là trong việc tiếp nhận quyết định và chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Cơ sở dữ liệu thu, chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đã được liên thông trên toàn quốc từ cuối năm 2017, giúp cho việc chi trả được kịp thời, chính xác và hạn chế các trường hợp hưởng sai quy định.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, hàng tháng, khi thực hiện chi trả, cơ quan bảo hiểm xã hội tiến hành rà soát, đối chiếu dữ liệu để phát hiện và dừng chi trả đối với các trường hợp "vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa có việc làm và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc" hoặc "vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa hưởng lương hưu". Thông tin sau đó được cung cấp cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm để yêu cầu người lao động thực hiện các thủ tục chấm dứt hưởng theo quy định.

Ảnh: Thái Yến
Cụ thể, trong giai đoạn 2020 - 2024, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phát hiện và kịp thời dừng chi trả đối với 87.301 trường hợp vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa có việc làm và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, giúp tránh phát sinh thu hồi số tiền 319 tỷ đồng. Đồng thời, cũng đã dừng chi trả với 5.207 trường hợp vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa hưởng lương hưu, tránh phát sinh thu hồi 24 tỷ đồng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp phát hiện các trường hợp hưởng sai quy định mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù số chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng tiệm cận với số thu, nhưng với kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết năm 2024 vẫn bảo đảm nguồn lực chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.