Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Trần Thị Thanh Tâm cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó, có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA... Đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời cũng là cơ hội để thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sự phát triển của công nghệ 4.0 đã trở thành động lực quan trọng cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thương mại điện tử đang từng bước trở thành xu hướng tất yếu và là cơ hội lớn để giới thiệu sản phẩm của quốc gia đến toàn thế giới. Trong những năm gần đây, thương mại điện tử của Việt Nam ngày càng phát triển và là một trong lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Giai đoạn từ 2017-2022, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16-33%. Báo cáo "Kinh tế khu vực Đông Nam Á 2022" của Ngân hàng Thế giới đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Dự báo, kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2023; trong đó, thương mại điện tử chiếm 32 tỷ USD.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Trần Thị Thanh Tâm cũng nhận định, dù tiềm năng phát triển ngành này rất lớn nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến, khó tạo dựng niềm tin với khách hàng, không nắm vững các quy định cần tuân thủ mà quốc gia nhập khẩu yêu cầu. Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc, một số bên chưa chuẩn hóa đúng nội dung, hình thức; chưa đáp ứng được nhu cầu truy xuất; thiếu quan tâm đến chất lượng gian hàng trên nền tảng TMĐT để tối ưu hóa doanh thu cũng như tiếp cận khách hàng.
"Theo báo cáo PCI của VCCI thực hiện trong 5 năm gần đây nhất, tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa", bà Tâm nhấn mạnh.
Bàn về yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp triển khai hiệu quả các hoạt động xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, chuyên gia Lê Trung Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng tạo dựng niềm tin với khách hàng thông qua việc chuẩn bị hình ảnh sản phẩm, nhà xưởng, năng lực sản xuất, các giấy tờ chứng nhận... Doanh nghiệp cũng nên kiên trì khi tham gia thị trường xuất khẩu. Sàn thương mại điện tử thế giới sẽ chấm điểm cao cho các doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu dài, đó là tâm lý thông thường của đối tác khi mua hàng.
Quan trọng nhất vẫn là năng lực tiếp nhận và khả năng xử lý thông tin. Nhiều doanh nghiệp hiện nay rơi vào tình trạng thiếu nhân lực tối thiểu, kỹ năng ngoại ngữ hạn chế, thiếu hiểu biết về sản phẩm cũng như thị trường quốc tế.. Đó là yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc xử lý đơn tin và khả năng hoàn thiện đơn hàng của doanh nghiệp, chuyên gia Lê Trung Dũng nhận định.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương Nguyễn Văn Thành thông tin, để hỗ trợ cho thương mại điện tử, Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia 2021-2025 đã xác định một số mục tiêu như: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và địa phương về mức độ phát triển của thương mại điên tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hoá Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới...
Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng qua kênh thương mại điện tử, ông Thành lưu tâm đến vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử như hạ tầng, nhân lực, khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng thương mại điện tử; chuẩn hoá thị trường, chuẩn hoá thông tin... Chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc trong xây dựng thương hiệu nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.