- Mặc dù còn những chỉ tiêu chưa đạt, nhưng kết quả KT – XH năm 2013 đã thể hiện nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, thưa Phó chủ tịch?
- Những năm gần đây, kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển KT – XH của địa phương. Mặc dù vậy, với nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, năng động, sáng tạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nên năm 2013 Hậu Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: 18/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND đề ra. Nhiều chỉ tiêu đạt cao như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ vượt hơn 37% so với kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong tỉnh tăng hơn 9% so cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,51% xuống còn 11,73%; có 11 xã đạt từ 11 - 19 tiêu chí xã nông thôn mới…
Kết quả trên, có vai trò quan trọng của cơ quan dân cử. HĐND 3 cấp của tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong ban hành các quyết sách phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi để kịp thời khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Như, Nghị quyết về việc hỗ trợ lãi suất thực hiện Đề án cơ giới trong sản xuất lúa trên địa bàn giai đoạn 2012 – 2015; cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn… Bên cạnh đó, qua giám sát trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - an sinh xã hội - pháp chế… HĐND các cấp đã kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương trong điều hành thực hiện nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.
- Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, những hạn chế trong phát triển kinh tế không hoàn toàn do nguyên nhân khách quan?
- Có thể nói, sự trì trệ, bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước cùng với diễn biến khó lường của thiên tai, dịch bệnh; xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn chưa được đầu tư đúng mức… là những nguyên nhân khách quan và chủ yếu làm nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng phát triển chậm. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận những tồn tại của nền kinh tế một phần do sự liên kết các chuỗi giá trị trong sản xuất thực hiện chưa đồng bộ, chưa tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Công tác điều hành thực hiện các nhiệm vụ KT - XH, như: phối hợp công tác giữa các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thị, thành phố từng lúc chưa đồng bộ, còn biểu hiện trông chờ, thiếu chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại địa phương, đơn vị; công tác dự báo tình hình có quan tâm nhưng chưa được thường xuyên; công tác chỉ đạo, điều hành, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đầu tư ở một số địa phương chưa chặt chẽ. HĐND từng lúc, từng nơi chưa thật thực hiện tốt công tác hậu giám sát, một số đại biểu HĐND còn ngại va chạm nên ít đấu tranh, phản biện làm rõ nhiều vấn đề bất cập. Bên cạnh đó, do chưa có Luật Giám sát để tạo hành lang pháp lý phát huy vai trò giám sát nên việc thực hiện chức năng này của HĐND các cấp cũng còn những hạn chế nhất định.
- Để khắc phục khó khăn, hoàn thành kế hoạch KT - XH năm tới và những năm tiếp theo, Kỳ họp này HĐND tập trung bàn thảo những giải pháp nào, thưa Phó chủ tịch?
- Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT - XH năm 2014 và những năm tiếp theo, Kỳ họp thứ Bảy này, HĐND tỉnh Hậu Giang tập trung bàn thảo 10 giải pháp quan trọng. Đó là: thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, duy trì tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, chất lượng sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và phát triển tiểu thủ công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác, phát triển thương mại, dịch vụ và tăng cường xuất khẩu. Quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính có hiệu quả, quản lý và khai thác tốt các ngân hàng tín dụng để tập trung vốn cho đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực cho ngành y tế. Tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để xây dựng và phát triển quê hương…
- Để các quyết sách của HĐND khả thi, công tác chuẩn bị, thảo luận tại kỳ họp được tiến hành như thế nào, thưa Phó chủ tịch?
- Tính thực tiễn, chính xác và khả thi cao, góp phần tích cực phát triển KT - XH của địa phương; được sự đồng thuận của các ngành các cấp, của nhân dân là thước đo chất lượng các quyết sách của HĐND. Xác định điều đó, trên cơ sở xem xét đề nghị của các ngành chức năng, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ngay từ khi nhận được tờ trình, dự thảo nghị quyết về một chính sách nào đó dự kiến đưa ra bàn và quyết định tại kỳ họp, HĐND chủ động phân công Thường trực, các ban HĐND khảo sát, thẩm tra kỹ nội dung của dự thảo nghị quyết về: sự phù hợp với chủ trương, chính sách, nhu cầu bức thiết của địa phương, đặc biệt là nguồn lực bảo đảm thực hiện. Phát huy trí tuệ và trách nhiệm của đại biểu đóng góp cho các dự thảo nghị quyết, các kỳ họp gần đây, HĐND luôn dành khoảng 1/3 thời gian cho đại biểu thảo luận và đóng góp vào dự thảo nghị quyết. Phương thức thảo luận được thực hiện dân chủ, thẳng thắn, tập trung theo các nhóm chủ đề để đại biểu phân tích làm sáng tỏ vấn đề trước khi biểu quyết.
- Có một thực tế là, đại biểu thảo luận rất sôi nổi, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực cho phát triển KT - XH của địa phương, nhưng có lúc, có nơi ý kiến của đại biểu lại ít được đưa vào nghị quyết mà chỉ điều chỉnh câu chữ, số liệu... Phó chủ tịch nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Phải khẳng định rằng HĐND tỉnh Hậu Giang luôn hoan nghênh, trân trọng và tiếp thu nghiêm túc đóng góp của đại biểu HĐND tỉnh cho các dự thảo nghị quyết. Thực tế qua 6 kỳ họp HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đều trên cơ sở cân nhắc tiếp thu, chỉnh sửa theo chính kiến, quan điểm của đa số đại biểu HĐND. Các nghị quyết được thông qua đều được sự tán thành của gần như 100% đại biểu HĐND tỉnh. Điều này cho thấy, trí tuệ, tâm huyết của đại biểu HĐND tỉnh được tôn trọng và ghi nhận trong các quyết sách HĐND tỉnh ban hành.
- Bên cạnh thảo luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Thường trực, các ban, đại biểu HĐND sẽ vào cuộc như thế nào để đáp ứng mong đợi của cử tri?
- Những kỳ họp HĐND gần đây thu hút rất đông cử tri theo dõi thông qua truyền hình trực tiếp, đặc biệt ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri mong muốn được nghe trực tiếp lãnh đạo các ngành hữu quan giải trình những vấn đề họ bức xúc. Qua TXCT trước Kỳ họp thứ Bảy này, HĐND tỉnh đã tập hợp 36 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các ngành chức năng. Cũng từ những bức xúc có tính chất rộng lớn, nổi cộm, Kỳ họp này, HĐND đề nghị 4 đơn vị đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trên hội trường và 3 đơn vị trả lời chất vấn bằng văn bản. Giúp cử tri trực tiếp bày tỏ ý kiến của mình với 4 đơn vị trả lời chất vấn, Thường trực HĐND thành lập 2 số điện thoại đường dây nóng để ghi nhận ý kiến của nhân dân và kịp thời chuyển đến đơn vị trả lời chất vấn. Với tinh thần trách nhiệm cao, đại biểu HĐND tỉnh sẽ tích cực chất vấn và truy vấn để lãnh đạo ngành hữu quan giải thích rõ, nhất là có lời hứa thực hiện những vấn đề đại biểu và đông đảo cử tri quan tâm.
- Xin cám ơn Phó chủ tịch!