Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) sáng 8.6, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định (Tổ 8) nhất trí về sự cần thiết phải sửa Luật.
Theo các đại biểu, việc thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ các bất cập, hạn chế.
Bên cạnh đó, một số chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người mới được ban hành thời gian qua chưa được thể chế hóa. Cụ thể là Kết luận số 13-KL/TW ngày 16.8.2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22.10.2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Theo đó, Kết luận đã xác định nhiệm vụ nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị là: “Tích cực tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh;… tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em…”.
Ngoài ra, một số quy định của Luật hiện hành chưa bảo đảm tính thống nhất với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Vì vậy, các đại biểu cho rằng, cần thiết phải sửa Luật Phòng, chống mua bán người để thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
Cụ thể hơn nữa khái niệm "mua bán người"
Theo Ủy ban Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), việc bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này và là cơ sở để đổi mới căn bản về chính sách trong công tác phòng, chống mua bán người.
Việc làm rõ khái niệm “mua bán người” sẽ là căn cứ để xác định rõ các hành vi vi phạm cụ thể, các hành vi cần phòng ngừa cũng như xác định rõ “nạn nhân”, “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, trên cơ sở đó đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể.
Đồng thời, định hình các chính sách phòng ngừa, biện pháp, công cụ đấu tranh, xử lý phù hợp và làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để xử lý loại tội phạm này.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định: “Mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên”.
Góp ý nội dung này, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ các cụm từ "vì mục đích vô nhân đạo khác", "thủ đoạn khác".
"Khác - ở đây cụ thể là gì? Có thể tham chiếu với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc) để tường minh và cụ thể hóa", đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất.
Bổ sung trách nhiệm của Đoàn Thanh niên trong phòng ngừa mua bán người
ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy, hơn 70% nạn nhân của tình trạng mua bán người là phụ nữ trong độ tuổi 18 – 30 tuổi. Đáng chú ý là nạn nhân nam trong độ tuổi thanh, thiếu niên bị mua bán để bóc lột sức lao động có xu hướng gia tăng.
"Do đó, tôi tán thành với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, đó là bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thì dự thảo Luật cần cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người", đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, dự thảo Luật bổ sung quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân "là rất nhân văn và tiến bộ". Tuy nhiên, theo đại biểu, cần bổ sung quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử về giới và về bất cứ lý do nào khác; đồng thời cấm kỳ thị, phân biết đối xử với cả thân nhân của nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Nhấn mạnh vai trò của việc thông tin, tuyên truyền trong phòng chống mua bán người, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, các cơ quan cần tập trung tuyên truyền với nhóm có nguy cơ cao. "Quá trình thi hành luật cần lựa chọn phương cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng và địa bàn".
Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về hành vi mua bán thai nhi - dạng biến tướng của mang thai hộ - để có căn cứ xử lý nghiêm minh, xử lý trách nhiệm hình sự.