Vi phạm sở hữu trí tuệ tăng mạnh
Theo thông tin tại tọa đàm “Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ - Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” do Tạp chí Hải Quan tổ chức ngày 8.12, trong 11 tháng năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.589 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474 tỷ đồng.
Các vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại tập trung vào một số hành vi chủ yếu như không khai báo, khai báo hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh, chỉ khai báo tên hàng theo nhóm hàng khi làm thủ tục hải quan, không chi tiết tên hàng trong lô hàng (trong đó có thể có hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao).
Đáng chú ý, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an khởi tố với tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lô hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan hải quan phát hiện thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc; trong đó, có những vụ nhập khẩu hàng với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, hiện nay, ngoài các phương thức vận chuyển truyền thống, hiện nay, các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung trong đó có hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là lợi dụng loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến; sản phẩm nhái, giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó phân biệt nếu không có hàng thật đối chứng; với giá bán chỉ bằng 1/10 hoặc 1/8 giá sản phẩm chính hãng nên vẫn thu hút được nhiều người tiêu dùng.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa bị xử lý hình sự
Mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế vẫn còn gặp khó khăn. Ví dụ, các quy định pháp luật còn có vướng mắc, hiện tại, Luật Hải quan và Luật Sở hữu trí tuệ quy định chưa thống nhất về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý đối với các hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quá cảnh, xuất khẩu. Bên cạnh đó, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa bị xử lý hình sự, do đó các biện pháp xử phạt hành chính thiếu tính răn đe với hành vi này. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền nhiều khi còn thiếu sự quan tâm phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, các đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng hải quan đối với hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chung tay phòng, chống buôn lậu trong đó có hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.