Bên cạnh đó, thành phố cũng duy trì phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế như: sản xuất phương tiện vận tải; sản xuất sản phẩm từ kim loại; sản xuất thiết bị điện; hóa chất - nhựa; chế biến thực phẩm; công nghiệp dệt may, da giày”. Giai đoạn 2019-2023, công nghiệp TP. Hải Phòng cơ bản đang phát triển đúng theo định hướng đề ra.
Hải Phòng thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để cung cấp tại chỗ các nguyên liệu, chi tiết, linh kiện, bán thành phẩm... cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố như cơ khí, điện tử, công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, logistics. Theo thống kê, doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp (KCN) Nomura sản xuất túi khí bảo vệ, tay lái ô tô, bộ dây dẫn điện, linh kiện cho bộ phận tiếp liệu của ô tô, hệ thống loa ô tô… đạt chất lượng quốc tế. Còn lại các cơ sở trong nước sản xuất các linh kiện, phụ kiện, cụm chi tiết phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tải.
Mới đây, UBND TP. Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử phụ trợ cho ngành CNHT, công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại...
Công ty TNHH LG Display Việt Nam tại Hải Phòng cũng đã 2 lần tăng vốn, nâng tổng vốn đầu tư hiện nay lên đến 4,65 tỷ USD và đang chuẩn bị hoàn thành xây dựng nhà máy H3 mới trên diện tích hơn 4ha tại KCN Tràng Duệ. Với sự đầu tư này, công ty tăng sản lượng sản phẩm phụ trợ là màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng. Theo đó, dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/năm, tạo thêm việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Đại diện Ban Quản lý khu kinh tế TP. Hải Phòng cho biết, trong các dự án FDI tại các khu kinh tế, KCN ở Hải Phòng có hơn nửa số vốn đầu tư được tập trung cho lĩnh vực CNHT như: sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính...; 22,3% số vốn cho CN chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng...
Tại buổi làm việc giữa Sở Công Thương TP. Hải Phòng và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa qua, đại diện Sở Công Thương thành phố đã nêu kiến nghị về việc xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Tuấn Anh cho biết, các sản phẩm nêu trên thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3.11.2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Các dự án sản xuất sản phẩm nêu trên được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tại Nghị định 111, cụ thể: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn 04 năm, giảm 50% trong vòng 09 năm tiếp theo, thuế suất 10% trong vòng 15 năm), thuế nhập khẩu, miễn, giảm tiền thuê đất...
“Hiện dự thảo Nghị định 111/2015/NĐ-CP sửa đổi đã điều chỉnh, cập nhật, bổ sung một số sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay và bổ sung một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới như hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn Anh cho biết.