Yêu cầu hủy hợp đồng sau gần 20 năm mua bán đất

TAND TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đang thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Quang (trú phường Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc; người đại diện theo ủy quyền là ông Phan Trọng Cầu, trú Phường 2, TP. Bảo Lộc) và bị đơn là vợ chồng ông Đặng Minh Khang, bà Nguyễn Thị Minh Phương (trú phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc), theo Thông báo thụ lý vụ án số 10/TB-TL-VA ngày 16.1.2024.
Theo đó, nguyên đơn yêu cầu TAND TP. Bảo Lộc tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 170/CN, lập ngày 27.6.2005, được UBND phường Lộc Phát chứng thực cùng ngày 27.6.2005, đối với thửa đất số 198, tờ bản đồ D.87.IV, phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc giữa bên chuyển nhượng là vợ chồng ông Khang và bên nhận chuyển nhượng là ông Quang.
Ông Quang yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên là vì diện tích đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khác với diện tích thực tế.
Theo yêu cầu của TAND TP. Bảo Lộc, ông Khang đã nộp một số bản ghi ý kiến của mình về vụ việc. Trong đó có nội dung về nguồn gốc đất, quá trình canh tác, sang nhượng và quan điểm về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo trình bày của ông Khang, ông mua thửa đất trên vào năm 1995 của bà Trần Thị Thơm (trú phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc). Khi mua bán hai bên đã đo đạc thực tế thửa đất có chiều rộng 15m, dài 70m (tương đương 1.050m2), có xác định ranh giới với các thửa đất liền kề, hiện trạng đất trồng chè, chưa có GCNQSDĐ.

Năm 1998, ông Khang xin cấp GCNQSDĐ cho thửa đất trên, việc đo đạc do cán bộ địa chính phường Lộc Phát thực hiện. Ngày 23.12.1998, UBND Thị xã Bảo Lộc (nay là TP. Bảo Lộc) cấp GCNQSDĐ cho ông Khang với diện tích 1.682m2, thuộc thửa số 198, tờ bản đồ D.87.IV.
Sau 10 năm canh tác ổn định, không có tranh chấp, ngày 27.6.2005, ông Khang đã chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Quang. Khi mua bán hai bên có tiến hành đo đo đạc, cắm mốc thực tế thửa đất có chiều rộng 15m, chiều dài 70m, giá chuyển nhượng 110 triệu đồng.
Ngay trong ngày 27.6.2005, hai bên đã đến UBND phường Lộc Phát để chứng thực hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó thửa đất được sang tên cho ông Quang trên GCNQSDĐ.
“Tôi mua thửa đất với diện tích thực tế là rộng 15m, dài 70m và tôi bán cho ông Quang cũng với diện tích rộng 15m, dài 70m, chứ không chuyển nhượng theo diện tích trên “sổ đỏ”. Do đó tôi không hiểu vì lý do vì sao ông Quang lại kiện tôi về việc diện tích thửa đất bị thiếu”, ông Khang trình bày.
Kết quả thẩm định tại chỗ thế nào?

Ngày 25.3.2024, TAND TP. Bảo Lộc có quyết định tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất tranh chấp.
Kết quả họa đồ đo đạc hiện trạng sử dụng đất (đã được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng và TAND TP. Bảo Lộc xác nhận) thể hiện, thửa đất ông Khang chuyển nhượng cho ông Quang thực tế thuộc thửa 201, có diện tích 1.081,2m (trong đó có 84m2 lộ giới; số đo 2 cạnh chiều ngang là 14m và 16,3m; chiều dài lần lượt là 69,5m và 70,4m).
Diện tích này tương đối trùng khớp với trình bày của ông Khang về diện tích đo đạc thực tế trong những lần giao dịch mua bán.
Trong khi đó, thửa đất 198 thực tế hiện do gia đình ông Phạm Văn Thắng sử dụng, xây nhà sinh sống từ nhiều năm nay, có diện tích đo đạc thực tế cũng chỉ rộng 1.487,2m2. Thửa đất này không phải thửa ông Khang đã chuyển nhượng cho ông Quang.
“Như vậy, kết quả đo đạc, thẩm định tại chỗ của TAND TP. Bảo Lộc đã thể hiện số thửa và diện tích thửa đất trên GCNQSDĐ do UBND Thị xã Bảo Lộc cấp cho tôi là không đúng với thực tế. Do đó, tôi mong muốn TAND TP. Bảo Lộc xem xét giải quyết vụ án thật sự công tâm để gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống”, ông Khang nói.
Liên quan đến vụ việc này, bà Trần Thị Thơm cho biết, thửa đất trên do bà canh tác từ năm 1989, với diện tích ngang 15m, dài 70m. Đến năm 1995, do cần tiền chữa bệnh nên bà bán thửa đất cho vợ chồng ông Khang với giá 3 chỉ vàng. Hiện trạng đến nay thửa đất vẫn như vậy. Bà Thơm sẵn sàng ra Tòa làm chứng về việc này.
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, có nhiều trường hợp hồ sơ địa chính lưu tại UBND phường, xã (bản đồ địa chính, sổ mục kê) trước đây do cán bộ địa chính đi thu thập thông tin và lập thành có những thông tin chưa chính xác, thậm chí là sai diện tích, số thửa, tên người sử dụng đất… Có những trường hợp sơ đồ vị trí các thửa đúng nhưng số thửa và người sử dụng đất thì nhầm lẫn thành người khác, dẫn tới việc cấp “sổ đỏ” bị sai thông tin.
Trong vụ án này, thực tế có diện tích đất đã nhận bàn giao và sử dụng trong nhiều năm, vị trí đánh số thửa và bản đồ địa chính có thể không thống nhất nên rất cần Tòa án dựa vào thực tế để xem xét giải quyết.
Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng này đã thực hiện xong từ 20 năm trước nên không còn giá trị pháp lý (hết hiệu lực). Do đó, bị đơn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện để đình chỉ vụ án.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin tới bạn đọc, cử tri cả nước.