Theo đơn đề nghị của ông Phạm Văn Cam, năm 2002 ông và ông Nguyễn Bá Vui thực hiện đổi đất cho nhau. Ông Cam lấy đất của ông Vui còn ông Vui lấy đất của ông Cam. Việc đổi đất được lập bằng văn bản, có xác nhận của chính quyền thị trấn Gia Lộc. Mảnh đất của ông Vui đổi cho ông Cam sử dụng có diện tích 82,5m2 với các cạnh như sau: phía Tây Nam giáp đường 17A dài 7,5m (nay là Quốc lộ 37), phía Tây Bắc giáp chợ Cuối dài 11m, phía Đông Bắc giáp nhà ông Bốn dài 7,5m và phía Đông Nam giáp nhà chị Lan dài 11m.
Ông Phạm Văn Cam cho biết sau khi đổi đất, hai gia đình sử dụng ổn định, không có tranh chấp cũng như không bên nào có ý kiến về việc đổi đất. Tuy nhiên, một phần đất của gia đình giáp đường vào chợ Cuối đã bị ông Nguyễn Văn Bốn lấn chiếm. Diện tích lấn chiếm khoảng 5,5m2 (chiều rộng giáp Quốc lộ 37 là 0,5m, chiều dài 11m). “Hiện tại, ông Nguyễn Văn Bốn đang sử dụng diện tích đất của gia đình và một phần đất công do UBND thị trấn Gia Lộc quản lý để làm quán bán hàng. Tôi đã nhiều lần nói chuyện tình cảm để ông Bốn trả lại đất lấn chiếm nhưng ông Bốn không đồng ý”, ông Cam bức xúc cho biết.
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Văn Cam cung cấp giấy chuyển đổi nhà đất giữa các ông Phạm Văn Cam và Nguyễn Bá Vui có xác nhận của UBND thị trấn Gia Lộc; Biên bản làm việc của UBND thị trấn Gia Lộc về việc đổi đất giữa ông Phạm Văn Cam và ông Nguyễn Bá Vui; tờ bản đồ, sổ mục kê 299; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2010; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và và tài sản khác gắn liền với đất cấp năm 2013; báo cáo giải trình về diện tích đất ở của ông Phạm Văn Cam do UBND thị trấn Gia Lộc lập năm 2010.
Tại tất cả các tài liệu này, diện tích đất của gia đình ông Phạm Văn Cam đều được thể hiện là 82,5m2. Trong báo cáo giải trình về diện tích đất ở của hộ gia đình ông Phạm Văn Cam do UBND thị trấn Gia Lộc lập ngày 26/1/2010 ghi rõ: “UBND thị trấn Gia Lộc đã kiểm tra hồ sơ, các tài liệu lưu trữ tại địa phương và đối chiếu hiện trạng sử dụng đất đang sử dụng của gia đình cho thấy: Phía Tây giáp mặt đường 17A (nay là đường 37) rộng 7,5m; phía Đông giáp nhà ông Bốn rộng 7,5m; phía Bắc giáp đất tập thể dài 11m, phía Nam giáp đất nhà bà Lan rộng 11m. Phần diện tích trước đây do cán bộ địa chính xác nhận lấy tròn số là 82m2 nhưng thực tế là 82,5m2 là đúng. Số diện tích 82,5m2 và kích thước nêu trên hộ ông Cam đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp”.
Bản di chúc do ông Nguyễn Bá Vui lập, được UBND thị trấn Gia Lộc xác nhận cũng ghi rõ: “Phía Tây Nam giáp đường 17A dài 7,5m, phía Tây Bắc giáp chợ Cuối dài 11m, phía Đông Bắc giáp nhà anh Bốn dài 7,5m, phía Đông Nam giáp nhà chị Lan dài 11m”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bốn khẳng định bố mẹ ông mua mảnh đất này năm 1962. Lúc đó chưa có chợ Cuối. Phía trước mảnh đất có một mương nước nhỏ. Gia đình ông sử dụng một lối đi nhỏ từ đường 17A (nay là Quốc lộ 37) vào nhà. Lối đi này giáp đất nhà ông Nguyễn Bá Vui (nay đã đổi cho ông Phạm Văn Cam). Năm 1993, gia đình ông xây một cái quán nhỏ để bán hàng. Đến năm 1997 xây dựng lại quán này. Hiện tại móng, tường của quán vẫn còn nằm dưới nền đất, chỉ cần đào lên là thấy. Ông Bốn khẳng định: “Hiện nay việc tranh chấp cứ để tòa xử, đúng sai do tòa quyết định”.
Bà Trịnh Thị Bưởi là vợ ông Nguyễn Bá Vui – người đã đổi đất cho ông Phạm Văn Cam lại cung cấp thông tin trái chiều với thông tin của ông Nguyễn Văn Bốn. Bà Bưởi cho biết vợ chồng bà mua mảnh đất này từ năm 1968 và sinh sống ổn định từ đó cho đến khi đổi đất cho ông Cam. Bà Bưởi cho biết giáp phần đất về phía Bắc của gia đình không hề có lối đi vào nhà ông Bốn. Phía đó chỉ có một phần đất giáp rãnh nước nhỏ. Phần đất này không ai sử dụng, cây cối, cỏ dại mọc rậm rạp, trên đất còn có một cây bàng to. “Ông Bốn vào nhà bằng con đường khác chứ không đi sát đất nhà tôi”, bà Trịnh Thị Bưởi khẳng định.
Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Bốn lấn chiếm, sử dụng đất công trong đó có một phần đất của ông Phạm Văn Cam, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc Đoàn Văn Long cho biết ngày 12.5.2021, UBND thị trấn Gia Lộc đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Bốn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng ngõ 359 đường vào siêu thị chợ Cuối nhằm thực hiện chỉnh trang thị trấn Gia Lộc, đưa siêu thị chợ Cuối vào hoạt động.
Tại buổi làm việc, UBND thị trấn Gia Lộc xác định thửa đất ông Nguyễn Văn Bốn đang ở mang tên cụ Nguyễn Văn Lê (là bố đẻ của ông Nguyễn Văn Bốn) thuộc thửa đất 264, tờ bản đồ số 06. Theo tờ bản đồ và sổ mục kê 299, thửa đất này có diện tích 320m2. Hiện tại, thửa đất này đã được tách thành 3 thửa cho 3 người con của cụ Lê là các ông Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Bốn. Thửa đất của các ông Dũng, Ngọc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng thửa đất của ông Nguyễn Văn Bốn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do diện tích có sự biến động so với tờ bản đồ 299.
Căn cứ vào tờ bản đồ 299 và hồ sơ đo đạc năm 2004, diện tích thửa đất của ông Nguyễn Văn Bốn tăng lên 87,5m2. Nguyên nhân tăng là do đơn vị đo đạc đã đo cả lối đi giáp nhà ông Phạm Văn Cam (phía Bắc) và đất dôi dư về phía Nam (giáp đền Cối Xuyên). Riêng phần đất là lối đi có diện tích 28m2 gồm cả 5,5m2 đất của gia đình ông Cam (rộng 0,5m, dài 11m).
Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc Đoàn Văn Long khẳng định phần diện tích 28m2 (phía Bắc) giáp nhà ông Phạm Văn Cam là phần đất do UBND thị trấn Gia Lộc quản lý. Ý kiến của ông Nguyễn Văn Bốn chỉ mang tính chất trình bày chứ không đưa ra được bất cứ một loại giấy tờ có liên quan để khẳng định đó là đất của gia đình. Thời gian vừa qua, UBND thị trấn nhiều lần yêu cầu ông Nguyễn Văn Bốn bàn giao trả lại cho địa phương phần diện tích lấn chiếm để giải phóng mặt bằng xây dựng đường vào chợ Cuối nhưng chưa được ông Bốn chấp hành.
Trong đơn của ông Phạm Văn Cam cũng bức xúc trước việc làm thiếu công tâm, khách quan của bà thẩm phán Nguyễn Thị Thắm và bà Nguyễn Thị Huệ thuộc tòa án nhân dân huyện Gia Lộc, thông qua hành vi hai vị “quan tòa” này đã viết sẵn một biên bản làm việc yêu cầu bà Trịnh Thị Bưởi (địa chỉ số 3, ngõ Đức Phong, thị trấn Gia Lộc, Hải Dương) là vợ ông Nguyễn Bá Vui (ông Vui đã chết) về việc đổi đất của gia đình ông Vui với gia đình ông Phạm Văn Cam. Do xác định biên bản bất bình thường, ghi không đúng sự thật, bà Bưởi đã không ký và con bà đã làm đơn kiện hai vị “quan tòa” trên về hành vi này.
Chúng tôi cho rằng, mọi cơ sở pháp luật về mảnh đất có sổ đỏ của ông Phạm Văn Cam đã được cấp thẩm quyền cấp, trong quá trình tranh chấp các cấp chính quyền đã vào cuộc xác nhận, ngoài việc ông Bốn lấn chiếm 5,5m2 của gia đình ông Phạm Văn Cam còn lấn chiếm hơn 20m2 làm lối đi.
Mong rằng, Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc cần cử những thẩm phán công tâm sớm xét xử vụ án để đảm bảo lòng tin cho nhân dân.