Dải phân cách cứng cao khoảng 60 cm, thiết kế di động, có chân đế bằng nhựa cứng và được thiết kế theo kiểu mũi tên có phản quang. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Dọc tuyến đường Giảng Võ theo hướng lưu thông từ Kim Mã đi Yên Nghĩa, hàng trăm mét dải phân cách đã được lắp đặt xong.
Có hai loại dải phân cách được lắp đặt trên tuyến đường này, gồm dải phân cách di động, có chân đế bằng nhựa cứng, có mũi tên phản quang, được thiết kế có thể di chuyển được.
Cọc tiêu phân làn giao thông bằng cao su, trên đầu có miếng dán phản quang và được bắt cố định xuống mặt đường.
Các cọc tiêu này được lắp đặt phía trước dải phân cách để nếu có xảy ra va chạm giao thông cũng không gây nguy hiểm khi các phương tiện đâm vào.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, việc lắp đặt dải phân cách cứng nhằm mục đích ưu tiên cho xe buýt BRT chạy trên đường không bị lấn làn, tăng khả năng qua nút giao nhanh hơn, giảm thời gian vận hành trên tuyến.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đồng ý chủ trương thí điểm làm dải phân cách phục vụ tuyến buýt nhanh.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo trong ngày 20.1, các đơn vị phải lắp đặt xong dải phân cách cứng cho xe buýt nhanh ở nhà chờ trên khu vực Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Giảng Võ…
Ngoài ra, theo yêu cầu của Sở này, lực lượng chức năng cũng điều chỉnh cụm đèn tín hiệu ở nút giao Trung Văn-Tố Hữu thành đèn bấm cho người đi bộ sang đường.
Sử dụng dải phân cách mềm đóng điểm mở tại ngã ba Tố Hữu-cầu Mỗ Lao.