4 đột phá phát triển
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng 9.1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế của cả nước; đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một cực tăng trưởng của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được, trong những năm gần đây vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nếu như năm 2011, GRDP của Hà Nội chiếm 48% vùng đồng bằng sông Hồng thì đến 2022 chỉ còn 42,2%. Tốc độ tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hà Nội cao hơn cả nước nhưng có xu hướng thấp dần so với vùng Đồng bằng sông Hồng(năm 2023 tăng trưởng của Thủ đô là 6,27%, thứ 9/11 tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng). Quan trọng hơn, sự phát triển của Hà Nội còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư vốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp.
Trong bối cảnh đó, “Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, hiện, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với các báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch (ĐMC), báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Về nội dung Quy hoạch Thủ đô, đã được xây dựng trên cơ sở các triết lý, trụ cột phát triển nhằm hình thành các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn thể hiện khát vọng phát triển Thủ đô trong tương lai. Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô, gồm: văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quy hoạch xác định 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; xác định “văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô”; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không đến năm 2050.
Về tổ chức không gian, các phương án quy hoạch được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng.
Quy hoạch cũng xác định 4 đột phá phát triển, gồm: thể chế, quản trị; hạ tầng kết nối; đô thị và môi trường, cảnh quan; nguồn lực nhân văn).
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, GS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết thêm, Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh.
Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%...
Cần xác định rõ hơn vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội
Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, để thể chế hóa các định hướng quan trọng của Trung ương Đảng tại văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Về cơ bản, Quy hoạch đáp ứng các yêu cầu của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, Quy hoạch vẫn chưa làm rõ được các điểm nghẽn cũng như đột phá phát triển, vẫn còn chung chung. Quy hoạch cũng cần đặt ra những mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước chứ không chỉ vượt lên so với chính Hà Nội; làm rõ vai trò của Hà Nội đối với vùng đồng bằng sông Hồng và ngược lại…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố xác định Quy hoạch Thủ đô là một quá trình, không phải là sản phẩm cuối cùng.
“Sau khi quy hoạch được phê duyệt, cần triển khai các kế hoạch hành động theo từng phân kỳ thời gian và lựa chọn các ưu tiên chiến lược để triển khai thực hiện. Các định hướng Quy hoạch không chỉ tuân thủ quy định mà còn thể hiện khát vọng phát triển Thủ đô trong tương lai”, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nêu rõ.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị, trước tiên, việc lập Quy hoạch cần đánh giá cụ thể nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển. Cùng với đó, cần xác định rõ hơn vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội với sự phát triển của vùng, với yêu cầu là phải có tư duy mới, tầm nhìn chiến lược hơn để tạo ra động lực mới, giá trị mới cho Hà Nội, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương, xu hướng thế giới và điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
Việc lập quy hoạch cũng cần tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạc ngành và quy hoạch của các địa phương trong vùng đã được phê duyệt để bảo đảm tính kết nối, đồng bộ. Quy hoạch cũng cần xác định rõ các ngành, lĩnh vực quan trọng; xây dựng Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển hàng đầu khu vực…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu.