Dự hội nghị có: Giám đốc Sở NN và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Nguyễn Xuân Đại; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí; đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội và lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cùng các chủ thể OCOP.
Trong năm qua, trên địa bàn 29 quận huyện, thị xã đã thực hiện đánh giá, phân hạng 544 sản phẩm. Trong đó, 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao, của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 Hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh). Các sản phẩm được đánh giá đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế biến, chiếm 51,5%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 1,2%; 16 sản phẩm đồ uống, chiếm 2,9%; 1 sản phẩm thảo dược, chiếm 0,2%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc chiếm 26,1%; 28 sản phẩm sinh vật cảnh, chiếm 5,1%. Trong số sản phẩm từ làng nghề tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 là 141/544, chiếm 25,9%...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Nguyễn Văn Chí cho biết: Khác với mọi năm, năm nay thực hiện theo Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, thành phố Hà Nội sẽ đánh giá và công nhận các sản phẩm OCOP 4 sao. Đối với các sản phẩm 3 sao được các huyện đánh giá, đại diện các sở, ngành tham gia với vai trò là thành viên hội đồng đánh giá cấp huyện.
Bên cạnh đó, nét mới trong quy định đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao, phải có chứng nhận sở hữu trí tuệ. Theo đó, đề nghị lãnh đạo sở Khoa học và Công nghệ thành phố cần phối hợp với các địa phương làm tốt việc cung cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các chủ thể đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Đối với các quận huyện, bên cạnh việc nâng cấp chất lượng các sản phẩm OCOP, các địa phương cần có chính sách động viên, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia chương trình; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm và chủ thể tham gia chương trình.
Đối với Văn phòng Nông thôn mới, thời gian tới bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, cần phối hợp cùng thành phố mở rộng thị trường tiêu thụ với những sản phẩm tham gia chương trình. Trong đó, chú trọng với sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho các chủ thể…
Theo Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP, qua rà soát, thẩm định đối với 104 sản phẩm OCOP được các quận, huyện gửi lên, có 93 sản phẩm thực phẩm; 1 sản phẩm thảo dược; 7 sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, vải may mặc; 3 sản phẩm sinh vật cảnh của 32 chủ thể đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.