Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo
Kế hoạch cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thủ đô; xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU theo lộ trình phù hợp; đồng thời, có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Các chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô gồm 26 chỉ tiêu: 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.
Đáng chú ý, về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, UBND TP Hà Nội giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo nguyên tắc chỉ đưa vào vấn đề đặc thù vượt trội hoặc chưa có trong các luật khác. TP Hà Nội cũng nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn và đặc thù của Thủ đô, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tham mưu UBND TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị với trung ương về việc giao Hà Nội quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5
Sở Công thương được UBND TP Hà Nội giao xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp - tập trung.
Thành phố sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp phát thải các bon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên.
Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% vào năm 2025.
Hà Nội cũng đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí; tích cực triển khai công nghệ mới, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước của hệ thống hồ, ao; phát triển hệ thống thủy lợi, thoát nước và xử lý nước thải, khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn Thủ đô; hoàn thành Đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ - sông Đáy, Tô Lịch; khơi thông dòng chảy các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích...