Trực tiếp kiểm tra tại Nhà văn hoá thôn Đại Áng, xã Đại Áng và Trạm Y tế xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, thành phố đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương, đặc biệt là tuyến phường, xã.
“Rất nhiều công việc để tổ chức triển khai cho trẻ uống vitamin A như rà soát đối tượng, chuẩn bị nhân lực, viên vitamin A… rồi các điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo thuận lợi cho người dân đều chu đáo.
Theo báo cáo của Phòng y tế huyện, Thanh Trì có 15.713 trẻ được uống vitamin A trong đợt này, trong đó có 2.543 trẻ từ 6 đến dưới 12 tháng và 13.170 trẻ từ 12 đến 35 tháng tuổi. Số điểm uống vitamin A của toàn huyện là 69 điểm,” ông Hưng chia sẻ.
Được biệt, ngành y tế Thủ đô đã giám sát chặt chẽ các điểm trong những ngày triển khai chiến dịch, đảm bảo duy trì vệ sinh sạch sẽ, bố trí đủ nước uống, quạt mát, chỗ ngồi thông thoáng cho trẻ và phụ huynh.
Tại quận Hai Bà Trưng, toàn quận sẽ có 13.147 trẻ được uống bổ sung vitamin A tại 23 điểm uống. Do được truyền thông đẩy đủ và nhận thức được tầm quan trọng của việc bổ sung đẩy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ nên ngay từ sáng sớm các gia đình đã đưa trẻ đến uống vitamin A đầy đủ, đúng lịch.
Theo kế hoạch, chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1.2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 1-2.6, uống vét vào ngày 3-4.6. Đối tượng được bổ sung vitamin A là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương kể cả trẻ em vãng lai, trẻ em đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Đồng thời, từ ngày 1 – 7.6, Hà Nội cũng triển khai chiến dịch cân, đo cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi sinh sống trên địa bàn. Đặc biệt, cho trẻ uống vitamin A và cân, đo đảm bảo theo đúng hướng dẫn chuyên môn, phân bổ số trẻ hợp lý để chiến dịch đạt hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Dự kiến, có tổng số gần 382 nghìn trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A tại 1.665 điểm uống.
Chiến dịch lần này, thành phố Hà Nội phấn đấu 99,8% trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao; đồng thời cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe cho trẻ em.