TP.HCM: Sở Y tế chỉ ra nguyên nhân gia tăng số ca mắc sởi

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, di biến động dân cư và việc bỏ sót trẻ chưa tiêm tại trường học là một trong những nguyên nhân gia tăng số ca mắc sởi.

Với kết quả khảo sát 35 trẻ từ 1-5 tuổi bị bệnh sởi tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 23% trẻ không có thông tin trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia và 17% trẻ có địa chỉ khai báo địa chỉ ở tỉnh khác. Ngoài ra, khảo sát các trẻ mắc sởi cũng phát hiện 13 trường học báo cáo đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng nhưng vẫn sót trẻ chưa được tiêm vaccine.

soi-13-11-1311202415.png
Tình hình dịch bệnh sởi tại TP. Hồ Chí Minh tính đến tuần 45 (Ảnh: SYT)

Trong tuần 45, tổng số ca mắc sởi tại TP. Hồ Chí Minh là 167 ca, tăng 29% so trung bình 4 tuần trước, trong đó có 99 ca điều trị nội trú (tăng 7,6%) và 68 ca điều trị ngoại trú (tăng 81%). Tích lũy từ đầu năm, số ca sởi trên địa bàn Thành phố là 1.635 ca, gồm 1.241 ca điều trị nội trú và 394 ca điều trị ngoại trú, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác đến khám và điều trị tại 3 bệnh viện Nhi Đồng & Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng gia tăng 44% so với trung bình 4 tuần trước, bao gồm 366 ca, trong đó có 229 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 2.565 ca, bao gồm 1.931 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã góp phần làm kiểm soát số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới vẫn tiếp tục gia tăng ở nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Từ đầu vụ dịch đến nay, số bệnh nhân từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi là 274 trẻ, hiện chiếm tỷ lệ 17% tổng số ca mắc toàn Thành phố.

Bên cạnh đó, ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh ở độ tuổi lớn hơn. Cụ thể thời điểm tháng 8.2024 thì trung bình mỗi tuần có 8-9 ca từ 11 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 12% tổng số ca mỗi tuần thì đến nay trung bình mỗi tuần có đến 40 ca ở độ tuổi này chiếm tỷ lệ 30% tổng số ca mỗi tuần.

Trước diễn biến gia tăng số ca sởi mới, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) tiến hành khảo sát trên 51 trẻ từ 1 đến 10 tuổi mắc bệnh sởi trong tuần 44 và ghi nhận có đến 32 trẻ (chiếm tỷ lệ 64%) hoàn toàn chưa được tiêm vaccine sởi trước khi mắc bệnh.

Có nhiều lý do khiến trẻ không được tiêm chủng như cha mẹ đi làm xa sống với ông bà, thường xuyên thay đổi chỗ ở, trẻ thường bị bệnh… nhưng đáng lưu ý là có đến 14 trẻ (chiếm 27% tổng số trẻ bệnh được khảo sát) không được cha mẹ, người thân cho tiêm chủng dù đã được mời nhiều lần và trẻ cũng hoàn toàn không có chống chỉ định. Những trẻ này có thể sẽ không bị bệnh sởi nếu cha mẹ, người thân đưa trẻ đi tiêm chủng trong chiến dịch tiêm vaccine của Thành phố.

tiem.jpg
Ảnh minh họa

Trong quá trình điều tra trẻ bệnh, HCDC cũng tiến hành đánh giá công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại trường trẻ bệnh đang học và ghi nhận có tình trạng các trường học bỏ sót trẻ cần tiêm chủng trong chiến dịch.

Cụ thể, có 02 trường hoàn toàn chưa tổ chức tiêm chiến dịch tại trường và 15 trường báo cáo đã hoàn thành chiến dịch tiêm trước đó nhưng nay vẫn phát hiện trẻ bệnh và các trẻ này hoàn toàn chưa được tiêm chủng. Điều này cho thấy, công tác rà soát tiền sử tiêm chủng và lập danh sách trẻ cần tiêm chưa được thực hiện tốt ở một số trường học. Do đó, dù chiến dịch đã triển khai hơn 2 tháng với tỷ lệ tiêm chủng được báo cáo rất cao nhưng thực tế hàng tuần vẫn có ca bệnh sởi mới trong độ tuổi chiến dịch.

Cũng trong khảo sát này, HCDC ghi nhận có đến 17% trẻ bệnh từ 1 – 5 tuổi (6/35) có địa chỉ khai báo trên Hệ thống thông tin tiêm chủng thuộc các tỉnh khác và 23% trẻ (8/35) không có tên trên hệ thống. Thực trạng địa chỉ khai báo trên hệ thống không trùng với địa chỉ thực tế hoặc không có tên trên hệ thống dẫn đến hậu quả trẻ không được trạm y tế phường xã quản lý và mời tiêm chủng. Đây là một thách thức lớn của công tác quản lý đối tượng tiêm chủng tại Thành phố.

Giải pháp căn cơ cho thách thức này là mỗi địa phương từ xã phường, quận huyện, tỉnh thành phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và chấp hành nghiêm túc Quy chế sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được ban hành theo Quyết định 3421/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 23.7.2017.

Từ thực trạng này, Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp Phòng Giáo dục của địa phương rà soát lại tiến độ tiêm vaccine sởi tại trường học. Đồng thời Ủy ban nhân dân quận huyện cần tiếp tục duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động tại mỗi địa phương, đẩy mạnh vai trò của các ban ngành đoàn thể và các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trong, không bỏ sót trẻ chưa được tiêm vaccine sởi trên địa bàn.

Song song với việc tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi, ngành y tế thành phố đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Ngành y tế khuyến cáo phụ huynh và người thân trong gia đình cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ.

Sức khỏe

VinGroup và Bệnh viện Bạch Mai hợp tác toàn diện thúc đẩy mô hình bệnh viện xanh
Sức khỏe

VinGroup và Bệnh viện Bạch Mai hợp tác toàn diện thúc đẩy mô hình bệnh viện xanh

Ngày 22.11, Tập đoàn Vingroup và Bệnh viện Bạch Mai ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về chuyển đổi xanh trong lĩnh vực y tế. Với nhiều giải pháp thiết thực, hướng tới sức khỏe cộng đồng và môi trường sống xanh – sự kiện đã khẳng định tinh thần đoàn kết của các thương hiệu dẫn đầu vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Đoàn kiểm tra liên ngành TP. Ninh Bình kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Khách sạn MT Collection (phường Đông Thành)
Sức khỏe

Kiểm tra hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá trên địa bàn TP. Ninh Bình

Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá TP. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá trên địa bàn Thành phố đối với các cơ sở thuộc loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống. 

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.