Theo đơn trình báo của bà N.T.N. (ngụ tại quận Ba Đình, Hà Nội), ngày 20.4 khi đang đi làm thì bà N. nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an phường yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân.
Sau đó “cán bộ công an” này cho biết, căn cước công dân đang vay số tiền 1 tỷ đồng tại ngân hàng A. Ngay lập tức, nạn nhân phản bác và trong nhiều cuộc điện thoại sau đó đều khẳng định mình không vay tiền ở bất cứ tổ chức tín dụng nào.
Tiếp đó, kẻ giả danh lại liên lạc và thông báo rằng bà N. bị tình nghi có liên quan đến đường dây ma túy xuyên quốc gia, cần phải xác minh các tài khoản ngân hàng xem có phải là tài khoản nhận giao dịch tiền của… đồng bọn hay không!?
Bị gọi điện dồn dập, lại hoang mang, sợ hãi vì nghĩ có kẻ xấu lợi dụng nên khi được yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản của công an để phục vụ... công tác điều tra, thì bị hại đã làm theo. Sau đó, toàn bộ số tiền nạn nhân tiết kiệm được gửi tại 4 ngân hàng khoảng hơn 2 tỷ đồng đã được rút hết, rồi chuyển cho đường dây tội phạm. Chỉ đến khi biết mình bị lừa, bà N. mới viết đơn và đến cơ quan Công an trình báo.
Qua vụ viêc trên, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục khuyến cáo, đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn không ít người trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao.
Do vậy người dân cần cẩn trọng, cập nhật thông tin tuyên truyền về thủ đoạn của các loại tội phạm từ các phương tiện báo chí, hoặc các kênh thông tin của lực lượng công an.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp các tài khoản ngân hàng, mã OTP hay truy cập các đường link lạ, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ hoạt động tội phạm, đề nghị người dân trình báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn.