Thực hiện đồng bộ quy hoạch, đầu tư hạ tầng
Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XIX vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp thêm các giải pháp để ngành du lịch tiếp tục đóng góp xứng tầm vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trao đổi với các đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Hà Nam Mai Thành Chung nhấn mạnh: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hoạt động du lịch trên địa bàn có những chuyển biến tích cực.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 5 khu, điểm du lịch trọng điểm. Nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng như: Khách sạn Mường Thanh, Vinpearl, sân golf Kim Bảng... Toàn tỉnh, hiện có 176 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 2 khách sạn 5 sao; 6 khách sạn 3 sao; hơn 20 khách sạn 1 - 2 sao và 150 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với trên 3000 buồng.
Lượt du khách đến với tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng lên, tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 20 đến 25%. Đặc biệt, trong năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc đón khách đã góp phần tạo bước đột phá cho du lịch Hà Nam khi thu hút đến hơn 3 triệu lượt khách.
Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Nam đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XX về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lấy du lịch làm cơ sở, động lực để thúc đẩy phát triển dịch vụ - thương mại. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh; thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, thương hiệu đầu tư các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao; phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư trong phát triển thương mại - dịch vụ, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Mai Thành Chung cho biết, trong thời gian tới, sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các quy hoạch. Trong đó, sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng của Khu du lịch Tam Chúc, làm cơ sở thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào các khu chức năng và àm tiền để thu hút các dịch vụ du lịch chất lượng cao, thúc đẩy hình thành các tuyến du lịch theo chuỗi. Rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư Xây dựng các dự án hạ tầng khung trong Khu du lịch Tam Chúc, tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối Khu du lịch với Quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình. Mở rộng các hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng các danh mục kêu gọi dự án đầu tư; đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Cũng tại kỳ họp, trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp thu hút khách du lịch đến và lưu trú lại nhằm tăng doanh thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Mai Thành Chung cho biết: Trước tiên, cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Cụ thể, sở sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng một số tuyến phố và trung tâm mua sắm, các tuyến phố đi bộ phục vụ du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm. Hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ theo quy định. Thực hiện các tiêu chuẩn về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội của Việt Nam, khu vực ASEAN và quốc tế.
Trong nhiều giải pháp được đưa ra, ông Chung cũng khẳng định: Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, các công cụ quảng bá trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đăng cai tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao lớn trong và ngoài nước. Liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến tại các thị trường có tiềm năng.
Đặc biệt, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá cũng như tìm kiếm, kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành lớn nhằm khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn. Đồng thời, kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch. Đặc biệt, là Bái Đính, Tràng An, Chùa Hương để hình thành các trục du lịch văn hóa - tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như “Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc”, “Chùa Hương - Tam Chúc”, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn các du khách, cùng khai thác, phát triển và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh.