Giao hàng thiết yếu giúp góp phần phòng, chống dịch
Grab cho biết, thời gian qua, các dịch vụ như GrabFood, GrabMart, GrabExpress và các đối tác tài xế đã hoạt động không ngừng nghỉ để cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân trên nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Nội. Các dịch vụ trên không chỉ giúp việc lưu thông, luân chuyển hàng hóa thiết yếu mà còn đóng góp thiết thực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Việc này giúp người dân an tâm tiếp cận nhu yếu phẩm mà không phải ra khỏi nhà và tập trung đông người.
"Khi chính quyền Hà Nội đang hạn chế hết sức người dân đổ xô tới các siêu thị, địa điểm mua sắm, làm tăng nguy cơ lây nhiễm thì những dịch vụ như GrabFood, GrabMart, GrabExpress đã và đang hỗ trợ đắc lực cho người dân và các cơ quan chức năng trong giai đoạn giãn cách", Grab cho hay.
Đồng thời, theo công ty này, việc duy trì các hoạt động giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cũng phù hợp với Chỉ thị 17 về "đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu" và định hướng của khuyến khích tiêu dùng qua kênh online.
Phối hợp kiểm soát tài xế đối tác
Với thế mạnh về công nghệ và vận hành, Grab khẳng định đủ năng lực thi hành phương án giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu qua ứng dụng, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Công ty này cũng trình bày một số biện pháp về công nghệ, quản lý chất lượng... để đảm bảo tài xế chỉ được giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu.
Cụ thể, do yêu cầu về giãn cách, đội ngũ quản lý chất lượng của Grab sẽ không thể tiến hành kiểm tra đột xuất tài xế tại hiện trường. Thay vào đó, Grab liên tục gọi điện xác minh ngẫu nhiên tới người tiêu dùng về quy trình hoạt động của tài xế. Nếu tài xế không thực hiện nghiêm túc việc thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, tài xế sẽ lập tức nhận được nhắc nhở và tạm ngưng kết nối dịch vụ qua ứng dụng.
Trước đó, ngày 24.7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hôm yêu cầu 5 ứng dụng là Grab, Gojek, Be, MyGo và FastGo dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong khi cho phép nhiều đơn vị khác vẫn có thể cung cấp dịch vụ này trên địa bàn. Sau khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17, Grab đã dừng kết nối các hoạt động vận chuyển qua ứng dụng. Nhưng đơn vị này cho rằng đây là một quy định chưa hợp lý và thiếu nhất quán với chính sách hiện hành của Nhà nước trong việc tạo lập, duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, cũng như có thể gây hiểu nhầm không đáng có về chủ trương của thành phố.
Grab cũng đang tích cực làm việc với cơ quan chức năng về việc xét nghiệm sớm và tiêm vaccine cho các đối tác tài xế giao hàng, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho tài xế và cộng đồng.