Cùng dự có: Thường trực Hội đồng Dân tộc, các thành viên Hội đồng Dân tộc, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, TP. Cần Thơ và một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đai đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩatheo mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hànhTrung ương Đảng Khóa XIII.
Dự luật Đất đai (sửa đổi) có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền địa phương làm căn cứ xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Năm tới, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội thảo đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về: công tác thu hồi đất, vật nuôi, cây trồng, xác định giá đất, bảng giá đất, tạo quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Theo đó, các ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa vấn đề nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc, quan tâm triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bổ sung quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Quy định cụ thể về hình thức, phương án góp vốn để ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Các đại biểu cũng đề nghị quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng ở địa phương trong hoạt động trợ giúp pháp lý về lĩnh vực đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết để chiếm dụng quyền sử dụng đất, thâu tóm đất đai, nhất là đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số là phù hợp nhưng cần quy định rõ thứ tự ưu tiên đối với dân tộc thiểu số chưa hưởng chế độ; hưởng chưa đủ hạn mức về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất kinh doanh để đảm bảo công bằng cho đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách.
Các đại biểu cũng đề nghị, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định cụ thể về quyền bình đẳng trong tiếp cận đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số; đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người; nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số đối với đất đai và Nhà nước; trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; trách nhiệm về tài chính của Nhà nước trong thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các hành vi bị nghiêm cấm
Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch và hệ thống các công trình thủy điện, các công trình có sử dụng nhiều đất đai. Việc giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tạo sinh kế và tăng thu nhập cho đồng bào. Có chính sách hỗ trợ kinh phí trong giao khoán bảo vệ rừng nhằm bảo đảm cuộc sống của đồng bào, từ đó hạn chế tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất, phá rừng làm nương rẫy. Bổ sung quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện kết hợp “trồng cây hàng năm” theo vùng miền để không làm thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất chính hoặc không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề.
Ghi nhận những đóng góp tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, các ý kiến đều rất giá trị, chất lượng, đúng trọng tâm, thể hiện sự quan tâm thực chất, trách nhiệm đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại Hội thảo; khẩn trương hoàn thiện nội dung tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đến Ủy ban Kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn, còn vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số để xem xét, cho ý kiến.