Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, việc đảm bảo được quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của người dân sẽ phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tại cơ sở. Do đó, chuẩn tiếp cận pháp luật là những tiêu chí để chính quyền cấp xã vận hành các chức năng, quyền hạn của mình và phúc đáp quyền tiếp cận pháp luật của người dân một cách tốt nhất.
Tại hội thảo, đại diện của các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với mục tiêu tạo ra được các quy chuẩn, chuẩn hóa tiêu chí đánh giá chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện công tác này. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Kim Thị Ánh cho rằng, Dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã và trách nhiệm của cán bộ, công chức tuy nhiên chưa quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong thực hiện công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm từ cả hai phía thì mới đạt hiệu quả trong công tác này.
Góp ý vào điều kiện công nhận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vũ băn khoăn, nếu quy định “không có cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức” sẽ vênh với tiêu chí Đảng bộ, chính quyền xã đạt chuẩn “trong sạch, vững mạnh”. Theo ông Vũ, chỉ cần cán bộ, công chức bị “cảnh cáo” là đã không “trong sạch, vững mạnh” rồi, do vậy không cần quy định điều kiện “từ hình thức cảnh cáo trở lên”.