Làng gốm sành (không men) Hương Canh, xã Tam Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là vùng gốm lâu đời. Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại, làm cho truyền thống sống được trong đời sống hiện đại được coi là cách bảo tồn bền vững nhất, trên cái nền truyền thống là tinh thần vẻ đẹp hiện đại. Bảo tồn bằng thẩm mỹ hiện đại để truyền thống ấy mới hơn và di sản ấy hiện đại hơn.
Với nỗ lực ấy, các nghệ sĩ/ nghệ nhân tham gia bày gần 100 tác phẩm gốm và gốm điêu khắc trên chất liệu gốm thủ công làng nghề truyền thống Hương Canh gồm: nhà điêu khắc Lê Ngọc Hân (giảng viên trường đại học Công nghiệp), họa sĩ - nhà điêu khắc Nguyễn Lưu, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Ngọc Ly, họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang, cùng các nghệ nhân của làng nghề là Nguyễn Giang Anh, Nguyễn Thị Hằng.
Triển lãm này còn có khách mời đặc biệt là nghệ nhân Giang Thị Nhạn, 73 tuổi. Bà là thợ chuốt gốm và trong tổ mặt hàng mới của hợp tác xã gốm (Tam Đồng), khi xóa bỏ bao cấp bà cùng chồng và con mở lại nghề gốm truyền thống tại gia đình năm 1994, mặt hàng chủ yếu là gốm dân dụng như chum, vại, tiểu sành… Bà là con của cụ Giang Văn Tụ, thợ bậc thầy trong ngành đun đốt của hợp tác xã nên bà được kế thừa tinh hoa nghề. Bà đã truyền nghề cho nhiều thợ trẻ về cách chuốt gốm và tạo hình trên gốm.
Triển lãm là một lời nhắc về việc bảo tồn di sản, bảo tồn làng nghề, là câu chuyện về công nghiệp văn hóa, liên kết giữa nghệ nhân và các nhà thiết kế, nghệ sĩ, liên kết giữa làng nghề với du lịch khám phá trải nghiệm…
"Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại" sẽ khai mạc tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hà Nội vào sáng 5.1.2024. Trong buổi khai mạc, nghệ nhân Giang Thị Nhạn sẽ trình diễn vuốt gốm trên bàn xoay.