Những bộ phim đi cùng năm tháng
Chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn, xuyên suốt, một dòng chảy liên tục trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Nhiều bộ phim đi cùng năm tháng, phản ánh trung thực sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, như: Chung một dòng sông (1959), Lửa trung tuyến (1961), Chị Tư Hậu (1962), Con chim vành khuyên (1962), Nổi gió (1966), Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974)…
Gần đây tiếp tục có những bộ phim về đề tài chiến tranh được thực hiện như Mùi cỏ cháy (2012), Những người viết huyền thoại (2013), Nhà Tiên tri (2013), Thầu Chín ở Xiêm (2014), Sống cùng lịch sử (2014), Truyền thuyết về Quán Tiên (2019); Bình minh đỏ (2021), Đào, Phở và Piano (2023)…
Tại hội thảo khoa học “Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Giá trị nghệ thuật, lưu trữ, khai thác và phổ biến trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0” do Viện Phim Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia cho rằng, phim truyện đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật với thời gian. Giá trị ấy cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy thông qua các hoạt động phổ biến, giới thiệu đến cộng đồng.
Bà Tạ Hoàng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu và Quay tư liệu, Viện Phim Việt Nam cho biết, những năm qua, Viện Phim Việt Nam cố gắng khai thác, phổ biến tới công chúng trong khả năng và quyền hạn của đơn vị để phát huy cao nhất nhu cầu xem và nghiên cứu phim tư liệu của khán giả Việt Nam, đặc biệt là với các phim có chủ đề phản ánh hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Qua đó góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Viện đã tổ chức nhiều đợt chiếu phim tư liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, các chương trình phim nhân các ngày lễ lớn, tổ chức những đợt phim chuyên đề theo tác giả, tác phẩm, giao lưu với các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng, phổ biến giới thiệu ra nước ngoài bằng cách phát hành, giới thiệu các bộ sưu tập phim của các đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng, các phim đoạt giải cao trong các liên hoan phim trong nước, quốc tế…
ThS. Huỳnh Công Khôi Nguyên, Giám đốc Nhà Văn hóa Điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng 5 năm gần đây (2019 - 2023), bằng nhiều hình thức phổ biến, hàng trăm tư liệu, tác phẩm điện ảnh chiến tranh cách mạng (phim truyện chiếm hơn 2/3) đã được Nhà Văn hóa Điện ảnh giới thiệu đến hàng trăm nghìn lượt sinh viên đang học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Mở hướng phổ biến phim trên không gian mạng
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, trong thời đại hội nhập toàn cầu, việc lưu trữ, khai thác và phổ biến phim đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Số hóa các tác phẩm điện ảnh là xu thế tất yếu, không đơn thuần là lưu giữ, bảo quản chất lượng tác phẩm/thành phẩm gốc, mà cần không ngừng phát triển sưu tầm, bổ sung kho hình ảnh tư liệu quý.
Vẫn còn những kỷ vật, thước phim tư liệu quý về hai cuộc kháng chiến chống xâm lược ở bên ngoài biên giới. Do đó, việc kết nối, mở mang, tương tác, chia sẻ nguồn tư liệu đã và đang có với bạn bè, đồng nghiệp ở khắp nơi trên toàn thế giới vẫn nên được coi là việc cần làm thường xuyên.
Về hoạt động phổ biến phim truyện chiến tranh cách mạng Việt Nam, dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, nhìn tổng quan, số lượng tác phẩm (và cả tư liệu điện ảnh) chiến tranh cách mạng lưu trữ được giới thiệu đến công chúng thời gian qua còn khiêm tốn.
Theo ThS. Huỳnh Công Khôi Nguyên, những rào cản pháp lý về bản quyền đã khiến cho việc khai thác, phổ biến, quảng bá giá trị tư liệu, phim điện ảnh chiến tranh cách mạng lưu trữ trong thời đại số bị giới hạn một cách đáng kể, nhất là hoạt động phổ biến trên không gian mạng internet; bên cạnh đó, nguồn lực kinh phí đầu tư tổ chức hoạt động còn hạn chế.
Qua thực tiễn hoạt động của Nhà Văn hóa Điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây, để phim truyện, phim tài liệu và cả tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam được phổ biến, phát huy giá trị hiệu quả hơn trong bối cảnh mới, ngoài việc định kỳ tổ chức các chương trình giới thiệu tới công chúng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung những quy định để tạo điều kiện hợp pháp cho việc tiếp cận và mở rộng quyền khai thác, phổ biến đối với tư liệu điện ảnh, nhất là tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam; tập trung nguồn lực tổ chức phổ biến, quảng bá phim, tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam trên không gian mạng và các hạ tầng kỹ thuật số khác.
Những rào cản pháp lý nếu sớm được tháo gỡ sẽ là điều kiện tiên quyết không chỉ để phim truyện, mà cả phim tài liệu, tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam nhanh chóng mở rộng phạm vi tiếp cận công chúng trong và ngoài nước trên các hạ tầng kỹ thuật không gian số; đồng thời phát huy giá trị tương xứng tầm vóc di sản tư liệu hình ảnh động trong thời kỳ Cách mạng Công nghệ 4.0.