Đẩy mạnh nội địa hóa linh kiện và phát triển mạng lưới nhà cung cấp
Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ôtô đã giảm về 0% từ năm 2018. UK/EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh, Việt Nam - châu Âu) sẽ đưa về mức 0% từ năm 2028. Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về 0% từ 2027.
Theo bà Nguyễn Ánh Tuyết, thực tế ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu.
“Đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường ô tô để có thể đa dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam. Trong thực tế, ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu”, bà Tuyết nói.
Bà cũng cho rằng, bên cạnh cơ hội cũng có nhiều áp lực với các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam trong việc duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện. Với việc thực hiện các cam kết của Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm và liên tục trong vòng 10 năm.
Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU xuống 0%. Bà Tuyết dẫn chứng một chiếc xe phổ thông có giá khoảng 30.000 USD, khi nhập về Việt Nam năm 2024 phải nộp thuế nhập khẩu 38,1%, tương đương 11.430 USD, giảm 1.920 USD so với năm ngoái.
Tuy nhiên, số tiền thuế này còn có thể giảm hàng chục nghìn USD đối với các mẫu siêu xe nhập khẩu. "Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt có cơ hội sở hữu các mẫu xe từ tầm trung, cao cấp cho đến xe siêu sang của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Ferrari, Lamborghini, Bugatti...", đại diện VAMA nhận định.
Để duy trì sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước, Bà Nguyễn Ánh Tuyết cho hay, các thành viên của VAMA đã không ngừng cải tiến sản phẩm, nâng công suất, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều thành viên đẩy mạnh nội địa hóa linh kiện trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển mạng lưới nhà cung cấp.
Đồng thời, tận dụng lợi thế của FTA để xuất khẩu một số linh kiện sang các quốc gia thành viên mang về doanh thu 4,5 tỷ USD cho ngành ôtô xe máy. Thị phần của xe sản xuất trong nước và luôn đạt trên 60%. Điều này đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Chiến lược Phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam.
Ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính - cho rằng, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.
Theo ông Hải, chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đã mang lại hiệu quả thông qua việc hoàn thuế nhập khẩu, góp phần làm giảm chi phí vật tư đầu vào giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính luôn nắm bắt tình hình thị trường để từng bước đưa chính sách ưu đãi vào cuộc sống, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) TS Lê Huy Khôi cho rằng, với các cam kết khá mạnh trong lĩnh vực sản phẩm ô tô, linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là cam kết về thuế quan, EVFTA được cho là sẽ tác động mạnh tới ngành ô tô Việt Nam khi thực thi các cam kết.
Theo đó, ngành ô tô có cơ hội nhập khẩu sản phẩm ô tô, phụ tùng, linh kiện chất lượng, công nghệ cao từ EU với giá thấp hơn, giúp nước ta có cơ hội xuất khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy. Tuy nhiên, do thị trường EU có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam nên cơ hội xuất khẩu sẽ khó thành hiện thực nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia mạng lưới cung ứng trong lĩnh vực ô tô, xe máy.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp tiếp tục trì trệ, thiếu chủ động trong cải thiện năng lực cạnh tranh, nguy cơ bị thua trên sân nhà vẫn rất cao.
Để ứng phó với làn sóng đổ bộ ô tô ngoại, ông Khôi cho rằng Chính phủ cần xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác,...
Việt Nam có thể hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.
“Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành ô tô - đặc biệt là ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện như trạm sạc, cổng sạc… để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô, phụ trợ trong nước, đồng thời lựa chọn một số bộ phận quan trọng trong chuỗi giá trị cấu thành ô tô đưa vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm của quốc gia”, ông Khôi cho hay.