Từ năm 2017 đến nay, tổng kinh phí thực hiện Nghị định 02/2017/NĐ-CP là hơn 6 nghìn tỷ đồng. Sự hỗ trợ này đã phần nào giúp giảm bớt khó khăn cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; giúp họ sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách. Ví dụ, một số loại hình thiên tai đã thay đổi, bổ sung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Việc quy định hỗ trợ với các loại dịch bệnh và công bố dịch cũng chưa phù hợp. Bởi hiện chỉ có một số loại dịch bệnh, dịch hại thực vật thuộc danh mục buộc phải công bố dịch theo pháp luật chuyên ngành nhưng thực tế xảy ra nhiều loại dịch bệnh khác khiến các hộ sản xuất phải tiêu hủy vật nuôi, cây trồng nhưng lại chưa đủ điều kiện để công bố dịch. Nghị định ban hành từ năm 2017, do đó một số khái niệm về cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp với các luật mới ban hành dẫn đến vướng mắc trong triển khai.
Đặc biệt, mức hỗ trợ đến nay đã trở nên “lạc hậu” trong khi chi phí sản xuất, giá thị trường đã tăng rất nhiều so với trước. Ví dụ, chi phí trồng, chăm sóc 1ha lúa thuần hiện là 35 - 40 triệu đồng nhưng khi bị thiệt hại trên 70% thì chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số thủ tục hỗ trợ còn phức tạp, không phù hợp thực tế nên chưa triển khai được đến một số đối tượng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP (bản đưa ra lấy ý kiến đóng góp) đã cố gắng khắc phục các vướng mắc nêu trên. Theo đó, đã điều chỉnh tên gọi một số đối tượng cho phù hợp với các luật liên quan mới được ban hành. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ với cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại lên 1,33 - 3,7 lần so với trước. Thành phần hồ sơ cũng được đơn giản hóa, cơ sở sản xuất chỉ phải nộp Đơn đề nghị hỗ trợ theo cả hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Tuy nhiên, trình tự thủ tục hỗ trợ thiệt hại chưa thực sự hợp lý. Cụ thể: cơ sở sản xuất nộp hồ sơ cho UBND cấp xã. Tiếp đến, UBND cấp xã xem xét và trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ; thẩm định hồ sơ trong 30 ngày, hoặc kéo dài không quá 60 ngày; niêm yết công khai trong thời hạn 5 ngày làm việc. Sau đó, UBND cấp xã gửi hồ sơ cho UBND cấp huyện trong vòng 3 ngày làm việc và UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ trong vòng 30 ngày.
Thủ tục này mới chỉ đề cập đến việc ban hành quyết định hỗ trợ, chứ chưa đề cập đến việc chi trả thực tế. Điều này có thể dẫn tới tình trạng từ thời điểm UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ đến khi tiền hỗ trợ đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài, không xác định thời hạn. Hơn nữa, tổng thời gian để thực hiện tất cả công đoạn trên tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày hoặc hơn, như vậy chưa phù hợp với mục đích hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định thời hạn từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế; đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục hành chính để tăng hiệu quả chính sách.
Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp cùng một lúc. Nếu yêu cầu từng cơ sở nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp và tốn kém chi phí, kéo dài thời gian. Trong những trường hợp đó, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu cơ chế để UBND cấp xã chủ trì tập hợp thống kê, đồng thời thẩm tra thiệt hại của các cơ sở nhằm rút ngắn thời gian hỗ trợ khôi phục sản xuất.