Đáp ứng mục tiêu phát điện
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện 2, Giám đốc Ban điều hành Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 38/TTg-CN ngày 10.1.2018. Dự án được xây dựng tại xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
Việc đưa Dự án này vào vận hành giúp tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện, như tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…, góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.
Bên cạnh đó, tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,20 triệu kWh/năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Mặt khác, giảm bớt cường độ, thời gian làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Dự án có quy mô 2 tổ máy với công suất 360MW (mỗi tổ máy công suất 180MW). Mới đây, vào lúc 9 giờ 10 phút, ngày 26.7, Rotor tổ máy số 1 đã được hạ thành công vào vị trí lắp đặt. Việc hạ thành công Rotor tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng là dấu mốc quan trọng tiến tới kế hoạch thử nghiệm chạy thử tổ máy, nhằm đáp ứng mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 11.2024.
Ông Nguyễn Đức Minh cho biết, Rotor tổ máy 1 của Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng nặng hơn 400 tấn, đường kính 6.276mm, chiều cao 3.098mm. Trước khi lắp đặt rotor, các nhà thầu đã hoàn thành việc lắp đặt tuabin, stator, cầu trục gian máy. Rotor, Stator máy phát đã được thí nghiệm cách điện và thí nghiệm cao thế đúng theo tiêu chuẩn hiện hành.
Nỗ lực vượt thách thức
Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tổ chức điều hành, thi công hợp lý của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án, đến nay, phần xây dựng công trình cơ bản đã hoàn thành; hiện nay, các đơn vị đang tiến hành lắp đặt thiết bị chính của nhà máy.
Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nhưng với khối lượng còn lại của các hạng mục là rất lớn, đòi hỏi phải có kết hợp các đơn vị khác nhau trên công trường, Ban Quản lý dự án Điện 2 đã và đang phối hợp các bên trên công trường thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ phát điện các tổ máy.
Trên cơ sở tiến độ thi công tổng thể công trình và các mốc tiến độ trong cam kết giao ước thi đua đã được các bên ký kết, Ban Quản lý dự án Điện 2 đã phối hợp các bên lập kế hoạch thi công chi tiết tuần, tháng, quý để làm cơ sở theo dõi và đôn đốc nhà thầu thực hiện. Mặt khác, yêu cầu nhà thầu bố trí nhân lực, thiết bị thi công 3 ca liên tục để đáp ứng theo tiến độ đã lập; tổ chức giao ban hàng ngày, hàng tuần và giao ban tháng để điều hành quản lý công việc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh tại công trường. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức tốt công tác quản lý chất lượng thi công các hạng mục công trình và công tác quản lý môi trường, an toàn và sức khỏe con người tại công trình.
Ban Quản lý dự án yêu cầu nhà thầu tuân thủ các quy trình quản lý chất lượng đã được ban hành, các vật tư, vật liệu, thiết bị phải được thỏa thuận, giám sát, thí nghiệm, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng tại công trình. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối, Ban Quản lý dự án sẽ chủ trì phối hợp đơn vị liên quan hết sức chú trọng công tác kiểm định, thí nghiệm hiệu chỉnh các thiết bị tổ máy theo đúng yêu cầu trước và sau khi lắp đặt vào công trình, nhằm hạn chế sai sót có thể ảnh hưởng đến tiến độ phát điện các tổ máy.
Công tác giám sát thi công xây lắp các hạng mục công trình được thực hiện thường xuyên, liên tục và đúng quy trình quản lý chất lượng. Nhật ký thi công hàng ngày sẽ được nhà thầu và tư vấn giám sát cập nhật lên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng của EVN theo quy định.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Ban Quản lý dự án luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học đối với người lao động và nhân dân trong khu vực dự án. Đối với công tác an toàn, tiếp tục yêu cầu Nhà thầu thực hiện trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động, thực hiện các quy định an toàn khi làm việc trên cao, khu vực chật hẹp và không gian kín tại các hạng mục công trình ngầm. Các công tác tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, tập huấn sơ cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ, các vấn đề về xã hội như tuyển dụng lao động địa phương... cũng được kiểm tra thường xuyên.
Đối với công tác thu xếp vốn, Ban Quản lý dự án cũng chủ trì đôn đốc các nhà thầu tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành của các hạng mục công trình kịp thời; từ đó, tạo tiền đề duy trì nguồn vốn cho nhà thầu thi công đáp ứng tiến độ kế hoạch.