Rủi ro và những thách thức
Rõ ràng, không thể phủ nhận những ưu điểm mà mô hình kinh doanh chia sẻ không gian lưu trú qua Airbnb mang lại. Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo, Airbnb còn góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người lao động địa phương. Song mô hình kinh doanh này cũng chứa đựng không ít rủi ro, đối với cả người cho thuê và người đi thuê. Bởi thực tế cho thấy, có nhiều nhà đầu tư bỏ ra không ít vốn thầu lại các bất động sản để cho thuê, nhưng do thiếu kinh nghiệm chuyên môn, trong khi lại quản lý nhiều địa điểm lưu trú ở cùng một thời điểm, lúng túng trong xây dựng chiến lược cạnh tranh, cho nên không thể tối ưu hóa doanh thu và công suất phòng cho thuê, dẫn đến lỗ vốn, phải giải thể.
Airbnb giảm gánh nặng cho điểm đến mùa cao điểm | Nguồn: nld.com.vn |
Hơn thế, việc kinh doanh Airbnb đang chứng minh đây là kênh đầu tư có khả năng mang đến nhiều lợi nhuận, nhưng là “cuộc chơi” chỉ dành cho những nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược và biết cách tạo các giá trị khác biệt để thu hút du khách. Ngoài ra, rủi ro thường gặp mà các chủ nhà phải đối mặt là thiệt hại về cơ sở vật chất nếu du khách không có ý thức giữ gìn, hay sự khó chịu của cư dân chung quanh vì sự xuất hiện của những vị khách lạ trong khu chung cư, tập thể…
Suy cho cùng, giao dịch trên Airbnb giữa chủ nhà và người thuê được thiết lập chủ yếu dựa vào niềm tin giữa những người lạ mặt. Không có cơ sở để bảo đảm chắc chắn về độ chính xác của những thông tin được trao đổi, cho nên nhiều trường hợp khách bị vỡ mộng vì thực tế khác xa quảng cáo. Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa các không gian vì mục đích cho thuê kiếm lợi nhuận, không ít chủ nhà đã lách luật, tự ý cải tạo, xây dựng thêm các công trình phụ trợ, chủ động kinh doanh thêm các hoạt động trải nghiệm mà chưa xin phép, hoặc bỏ qua các quy định về cảnh báo an toàn, phòng, chống cháy nổ trong xây dựng, dẫn đến yếu tố an ninh, trật tự không được bảo đảm. Cách đây 4 năm, Airbnb đã phải bồi thường một triệu USD vì một khách du lịch đặt phòng qua ứng dụng này bị chết khi tới điểm nghỉ…
Bảo đảm tính chân thực, độ an toàn
Với sự bùng nổ nhanh chóng về số lượng phòng đăng ký kinh doanh trên Airbnb tại Việt Nam, không ai dám chắc sẽ không xảy ra những sự cố đáng tiếc tương tự. Lời khuyên ở thời điểm hiện tại dành cho những người thuê là cần nghiên cứu thật kỹ thông tin về điểm đến, nên chọn những nơi được chủ nhà chia sẻ với nhiều mô tả, hình ảnh, tốt nhất là những điểm đã được nhiều người trải nghiệm và có đánh giá tích cực để bảo đảm tính chân thực, độ an toàn…
Nhiều đại diện khách sạn chia sẻ, đến thời điểm này Airbnb vẫn chưa tạo sức ép quá lớn đối với ngành kinh doanh lưu trú truyền thống. Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, chắc chắn đây sẽ là kênh chi phối tạo áp lực và nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường lưu trú du lịch. Trên thực tế, các chủ nhà chủ yếu chỉ đăng ký có căn hộ cho thuê trên hệ thống Airbnb - ứng dụng online có trụ sở ở nước ngoài. Toàn bộ giao dịch giữa các bên được thực hiện trực tuyến qua internet, không dùng tiền mặt, không cần xuất hóa đơn. Các cơ quan chức năng cũng chưa có những thống kê đầy đủ, chính xác về số lượng các cơ sở được kinh doanh theo mô hình này, chưa có những biện pháp quản lý cụ thể. Mất ít chi phí vận hành, lại có thể “lách” phần thuế kinh doanh dịch vụ, cho nên các cơ sở lưu trú qua Airbnb tha hồ hạ giá.
Không chỉ là lỗ hổng về mặt quản lý gây thất thu thuế, điều này còn ảnh hưởng phần nào đối với các cơ sở lưu trú truyền thống vẫn đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kinh doanh với Nhà nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro nhất định về việc bảo mật thông tin cá nhân khi ứng dụng này sở hữu một khối lượng lớn các dữ liệu của người thuê và người cho thuê trên khắp thế giới. Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng của các ngành du lịch, thuế, quản lý thị trường, bất động sản… cần nhanh chóng có những nghiên cứu, thống kê, đánh giá và đưa ra những giải pháp quản lý cụ thể đối với mô hình kinh doanh này, bảo đảm đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở tôn trọng luật pháp, cạnh tranh lành mạnh.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Võ Anh Tài khuyến nghị, nhận diện những thách thức mà Airbnb tạo ra, một số nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp để giảm rủi ro. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, để hạn chế sự gia tăng số lượng các phòng cho thuê trên Airbnb, từ đầu năm 2017, chính phủ đã quy định tất cả các chủ nhà cho thuê ngắn hạn phải nộp đơn xin giấy phép trước khi cho thuê, các chủ nhà cũng chỉ được phép cho thuê nhà của họ trong 180 ngày/năm. Lượng du khách đặt dịch vụ qua Airbnb chủ yếu là thuê phòng ngắn hạn để phục vụ hành trình du lịch, vì vậy, để hạn chế việc đặt phòng qua kênh này, nhiều nước như Thái Lan và Singapore đã có những chính sách ràng buộc, quy định chủ nhà không được phép cho khách thuê phòng qua ứng dụng này lưu trú trong thời gian ít hơn một tháng, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng…