Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu - chi… là những kết quả rất đáng trân trọng. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, đây là kết quả của sự phối hợp trong các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phân tích, để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, phải giải quyết bằng chính sách tài khóa mở rộng. Đó là giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều sắc thuế… cho doanh nghiệp, cho người dân. Rồi chúng ta tăng cường, mở rộng đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giải quyết các vấn đề về đại dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá chính sách tài khóa những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ để thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác.
Bàn về giải pháp giúp thị trường trái phiếu phát triển nhanh và bền vững, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Mặc dù hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chủ động xoay xở các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm nhằm thu hồi dòng tiền về để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy, niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển. Song song đó, ngăn chặn việc lũng đoạn thị trường là cần thiết. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát thị trường.
Nhấn mạnh thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, sẽ góp sức tăng tốc cho nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, vấn đề tỷ giá, hạ lãi suất ở biên độ phù hợp đã giúp bơm vốn, tăng nguồn lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp nói chung. Doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại giúp duy trì cân bằng kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc hài hòa giữa các chính sách cũng là một giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và kiểm soát lạm phát.
Theo ông Phương, nhờ vậy, sau 4 tháng, Việt Nam đạt chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khóa ở mức hợp lý. Song, Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới, như: Cầu thế giới giảm mạnh; Lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; Thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…
Đối với chính sách tiền tệ, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, phải tiếp tục sử dụng cơ chế tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng và kiểm soát được dòng tiền. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu vốn mà chúng ta không kiểm soát được, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải đưa ra thị trường, mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì như ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, có khi chỉ làm hao hụt nguồn lực tài chính.