Xã hội hiện đại ta phải nhận ra những dấu hiệu như: Mức sống của con người nâng lên. Khi đó, mức sống của giáo viên cũng phải nâng lên. Điều đó để giáo viên có phép so sánh xã hội này với xã hội khác, ở người này với người khác. Trường hợp cô giáo ở Cẩm Xuyên luôn khóc thầm, không dám khóc trước học trò về mức sống nhưng đến khi về hưu, có người hỏi đến mới chạnh lòng, chia sẻ.
Xã hội hiện đại thì khoa học, công nghệ và tri thức của loài người tăng lên nhanh chóng. Tri thức của khoa học công nghệ tăng gấp đôi dẫn tới việc nhà giáo phải truyền thụ theo tốc độ gấp đôi. Do vậy, nhà giáo liên tục phải học, đổi mới tri thức, lao động cực nhọc để bảo đảm yêu cầu giảng dạy.
Thế giới phẳng, tất cả đều phẳng thì chức năng của nhà giáo thay đổi. Môi trường thông tin mở, tất cả học trò tắm mình trong bể thông tin nên thầy giáo phải làm gì trong việc dạy học trò biết thu thập, xử lý, tiếp nhận thông tin ấy như thế nào cho đúng. Đó là chức năng chủ yếu rất khó khăn trong yêu cầu đổi mới.
Thông tin đến nhiều chiều, thầy giáo gặp rất nhiều rủi ro, diễn ra thường xuyên và đa dạng. Đôi khi chỉ một động tác nhẹ của nhà giáo đối với con em học sinh cũng bị cho là bạo hành học đường, thầy giáo có khi mất việc với những tình huống vô cùng đa dạng. Đôi khi dạy xong một buổi mới biết mình an toàn.
Cách đây chưa lâu, tôi có trình bày rất rõ về giá trị của người thầy trong giáo dục. Nhìn ra giá trị này là một quá trình vừa dễ, vừa khó. Dễ ở việc nhìn thấy giá trị của họ, khó ở chỗ là hoạch định chính sách để làm cho giá trị ấy được phát huy một cách đầy đủ.
Tôi lấy ví dụ, nước Anh, Mỹ, Đức rất thành công trong chính sách với giáo viên. Thế mà đến giai đoạn này còn nhận ra thất bại, đó là chất lượng giáo dục phổ thông thua một số nước khác. Họ tìm ra nguyên nhân là do thua về chính sách giáo viên. Và vì thế họ thua về chất lượng giáo dục so với nước nghèo hơn. Người ta nhìn thấy thất bại và sửa chữa ngay để từ đó học sinh, phụ huynh nhìn ra được giá trị của người thầy.
Chúng ta cần phải hoạch định chính sách để những giá trị ấy được phát huy tối đa. Giá trị của giáo viên là giá trị vĩnh cửu cho từng con người, từng gia đình, cho cả một quốc gia và loài người. Giá trị ấy không bao giờ thay đổi và mất đi.
Giá trị ấy thường được đánh giá bằng vật chất và tinh thần. Phải xác định hai yếu tố này có mối quan hệ với nhau. Nếu đánh giá bằng vật chất không tương xứng thì tinh thần bị suy giảm. Tinh thần ấy với cách nhìn của giáo viên và cách nhìn của xã hội. Chúng ta luôn nói “không thầy đố mày làm nên”. Chúng ta phải có chính sách đột biến về đãi ngộ vật chất. Anh, Đức, Mỹ thua vì chưa có đột biến chính sách đãi ngộ với giáo viên. Người ta có thể chi nhiều tiền nhưng trong số chi cho giáo dục thì chi cho giáo viên là bao nhiêu. Đó là yếu tố quan trọng. Trong số tổng thể về giáo dục ta có thể thua họ nhưng trong số chi cho giáo viên mới là cái quan trọng. Đấy là vấn đề cần được quan tâm để đánh giá vật chất và đánh giá tinh thần phải là mối quan hệ tương hỗ với nhau.
UNNESCO đã tổng kết, chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo. Đó là tổng kết của nhân loại và đó là câu nói xúc tích nhất về vai trò của giáo viên.