
Trong 2 tháng đầu năm nay, sữa bột của một số hãng sữa nhập khẩu như: Abbott, Friso, Mead Johson đã đồng loạt tăng giá bán từ 7-10%. Đây là đợt tăng giá khá đột ngột. Cùng với việc tăng giá trực tiếp trên giá bán sản phẩm, một số doanh nghiệp sữa còn sử dụng hình thức tăng giá khác khá tinh vi. Đó là vẫn bán giá cũ, nhưng giảm trọng lượng sản phẩm, hoặc bán giá mới có kèm quà khuyến mại. Khi đợt khuyến mại kết thúc, mặc nhiên đã hình thành mức giá mới của sản phẩm. Người tiêu dùng tinh ý mới nhận thấy những sự thay đổi về giá này.
Các hãng sữa giải thích rằng, do biến động về tỷ giá, USD tăng giá so với đồng Việt Nam. Các hãng sữa nhập nguyên liệu đầu vào bằng đồng USD, quy đổi ra đồng Việt Nam thì giá tăng. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào như sữa bột tăng thêm khoảng 50% so với tháng 9 năm ngoái, cũng khiến cho chi phí đầu vào sản xuất tăng. Nếu không tăng giá sản phẩm thì không đủ bù đắp chi phí. Còn theo các đại lý kinh doanh sữa, từ đầu năm đến nay, các hãng sữa đã tăng giá từ 2-3 lần, mỗi lần tăng khoảng 10%. Khi các đại lý nhận được thông báo giá tăng thì cũng phải tăng giá bán lên.
Vấn đề ở đây là sự giải thích của các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất sữa không hợp lý và thiếu tôn trọng người tiêu dùng. Trên cùng một thị trường nhưng đã có một số doanh nghiệp như Nestle Việt Nam lại cam kết giảm giá bán các mặt hàng sữa từ 4-5%. Doanh nghiệp này tuyên bố, việc giảm giá không phải chỉ trong đợt khuyến mại, mà nằm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Giảm giá sữa do doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động phân phối hiệu quả hơn, tiết kiệm các chi phí phát sinh, tuân thủ nghiêm túc về chi phí quảng cáo và tiếp thị đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Đến đây câu hỏi đặt ra là, công tác quản lý của các cơ quan chức năng có lỏng kẻo để cho các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất sữa làm mưa làm gió trên thị trường hay không?
Qua nhiều lần điều chỉnh tăng giá sữa, các hãng đều giải thích rằng, việc tăng giá sữa trên thị trường không mang lại lợi nhuận cao hơn cho công ty sản xuất, vì giá tăng sẽ tác động không tốt đến thị phần và sản lượng tiêu thụ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Một số hãng sữa còn viện lý do là phải cho thêm dưỡng chất được cho là tăng chỉ số thông minh cho trẻ em, tăng sức đề kháng… vào sữa nên giá phải cao hơn. Tuy nhiên, những lý do này không đủ sức thuyết phục người tiêu dùng.
Hiện nay, các cơ quan chức năng tỏ ra khá lúng túng trước việc quản lý giá sữa. Bộ Tài chính đã có Thông tư số 104/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 13.11.2008 có quy định: “Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động thì Nhà nước sẽ tiến hành các biện pháp để bình ổn giá”. Nhưng từ trước đến nay, quy định này chưa được thực hiện. Bởi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa dễ dàng lách quy định này, vì biên độ dao động giá tới 20% quá rộng. Các doanh nghiệp lách bằng cách là tăng giá dưới 20%, trong khi đó các cơ quan chức năng chưa cần phải áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường giá cả thì mặt hàng sữa đang được kinh doanh theo cơ chế thị trường. Trước việc tăng giá sữa như hiện nay, cơ quan quản lý và cơ quan thuế phải vào cuộc, xem xét các chi phí, yếu tố cấu thành giá sữa có hợp lý không? Có thể áp dụng biện pháp kinh tế là đánh thuế vào phần lợi nhuận, thu nhập của doanh nghiệp. Nước ta có mức thu nhập trung bình, sữa được dùng cho những đối tượng đặc biệt cần chăm sóc sức khỏe như trẻ em, người già, người ốm. Mối quan tâm của người tiêu dùng trước hết là chất lượng sản phẩm, hàm lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Và để người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp, các thông tin phải được công bố từ các cơ quan chức năng, chứ không chỉ thông tin từ doanh nghiệp như hiện nay.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để xây dựng được một mô hình quản lý kinh doanh sữa phù hợp và hiệu quả thì trách nhiệm trước hết là ở Bộ Công thương. Giá sữa, bao gồm giá nguyên liệu đầu vào, giá nhập khẩu, thuế, các chi phí khác - hoàn toàn có thể tính toán được. Phải tính toán để có những giải pháp phù hợp như: sử dụng công cụ thuế, các biện pháp thanh tra, quản lý thị trường và chế tài cụ thể đối với hành vi liên kết tăng giá hoặc chi phí quảng cáo quá mức làm tăng giá sữa.