Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Tỉnh uỷ viên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngoại vụ, Ban Dân tộc và UBND tỉnh huyện Mang Yang đã tiếp đoàn tại văn phòng UBND tỉnh.
Bà Naomi Kitahara-Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam" được triển khai tại 14 xã thuộc 04 huyện: Mang Yang, Chư Păh, Chư Sê và Kông Chro.
Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại huyện Mang Yang và đã có những đánh giá, cân nhắc và so sánh sự khác nhau giữa các địa phương khác đang thực hiện dự án để có phương pháp triển khai hiệu quả. Đồng thời, rất muốn lắng nghe những ý kiến, đề xuất, góp ý của lãnh đạo tỉnh để triển khai dự án được thuận lợi và hiệu quả hơn, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của tỉnh trong thời gian tới, bà Naomi Kitahara cho hay.
Sau khi trao đổi cùng lãnh đạo các đơn vị, các chuyên gia UNFPA tại Việt Nam và Quỹ MSD for Mothers, đồng thời thông tin với đoàn một số nét nổi bật về điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, Gia Lai luôn xác định y tế và giáo dục là 02 điều kiện căn bản để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thời gian qua, Gia Lai đã xây dựng đề án tổng quát về mạng lưới y tế trên toàn tỉnh.
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở vùng sâu vùng xa có đủ khả năng chăm sóc sức khoẻ cơ bản và sơ cấp cứu ban đầu. Đối với đối tượng bà mẹ mang thai và trẻ em là 02 đối tượng trọng yếu cần được chăm sóc sức khoẻ cơ bản, do đó, việc triển khai dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam" đã giúp cho người dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 04 năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên dự án đã phải tạm dừng, bởi vậy, tỉnh mong muốn thời gian sắp đến, đoàn sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả những mục tiêu đã đề ra trong dự án. UBND tỉnh Gia Lai sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan cam kết tạo điều kiện thuận lợi để đoàn thực hiện dự án. Hy vọng việc triển khai dự án thành công có thể nhân rộng mô hình thực hiện ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.