Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ là một trong những chương trình tín dụng luôn có nhu cầu vốn rất cao, khả năng hấp thu vốn nhanh và hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm toàn tỉnh đạt 417 tỷ đồng/8.565 khách hàng; doanh số thu nợ đạt 149 tỷ đồng. Hiện tại, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm toàn tỉnh đạt 1.026 tỷ đồng/24.517 khách hàng dư nợ, chiếm 15,2% tổng dư nợ các chương trình tín dụng.
Với quy mô tín dụng, khả năng tăng trưởng tín dụng của chương trình này, việc Trung ương phân bổ thêm 280 tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay hỗ trợ tạo việc làm mang ý nghĩa rất lớn. Tranh thủ nguồn vốn này, Ngân hàng CSXH tỉnh đang tập trung giải ngân nhanh để hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn cuối năm.
Bà Trần Thị Thủy Tiên, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã An Khê cho biết: “Hầu hết hộ vay vốn giải quyết việc làm rất chịu khó đầu tư sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn hiệu quả. Ở địa bàn các xã, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được người dân đầu tư chăn nuôi gia súc, trồng keo, bạch đàn hoặc mua xe tải chạy chở hàng. Ở địa bàn các phường, các hộ vay chủ yếu buôn bán tạp hóa, dịch vụ ăn uống, spa, kinh doanh dịch vụ tiệc cưới. Ngay sau khi được Ngân hàng CSXH tỉnh giao nguồn vốn, chúng tôi đã tham mưu Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH thị xã phân bổ nguồn vốn về cho các xã, phường để tổ chức giải ngân cho 513 hộ vay, 100% là khách hàng vay mới”.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh Nguyễn Khắc Lê, thông tin: “Đa phần hộ vay vốn hỗ trợ việc làm có hiểu biết, có trình độ sản xuất nên nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả. Trong đợt này, chúng tôi tập trung giải ngân vốn tạo việc làm cho lao động nông thôn, đa phần là công nhân trở về từ các tỉnh phía Nam. Nguồn vốn vay được bà con đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cà phê, cây ăn quả”. Cũng theo ông Lê, từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ việc làm tại Chư Pưh đạt gần 20 tỷ đồng/380 lượt lao động vay vốn. Tổng dư nợ chương trình tín dụng này là gần 50 tỷ đồng, đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động tại địa phương.