Lạm phát cơ bản tăng 2,72%
Sáng 29.1, Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1.2024. Đáng chú ý, trong tháng 1, CPI tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tăng 3,37%. Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá tăng cao nhất với 1,02%, tác động làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,09%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,89%; dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 1,67%. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22 ngày 17.11.2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Đứng thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,56%, chủ yếu do giá điện sinh hoạt tháng 1.2024 tăng 1,29% so với tháng trước do EVN đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 9.11.2023, cùng với đó nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Các nhóm giao thông, dịch vụ, đồ uống, thuốc lá, may mặc, thực phẩm… cũng tăng so với tháng trước do nhu cầu mua sắm của người dân cho dịp Tết Nguyên đán 2024.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá của nhóm giáo dục giảm 0,12%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31.12.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81. Giá nhóm thực phẩm trong tháng 1.2024 giảm 0,09% so với tháng trước.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra lạm phát cơ bản tháng 1.2024 tăng 0,21% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%) chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán tăng làm chỉ số giá vàng tháng 1.2024 tăng 2,55% so với tháng 12.2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 1.2024 tăng 0,52% so với tháng 12.2023 và tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng hơn 7%
Tháng 1.2024 là tháng cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).
Tổng cục Thống kê lý giải, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1.2024 đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 407,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%; hàng may mặc tăng 1,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đà Nẵng dẫn đầu với mức tăng 29,9%; TP. Hồ Chí Minh tăng 14,7%; Hà Nội tăng 10,8%; Thừa Thiên Huế tăng 9,3%...
Điểm đáng chú ý nữa là doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước; riêng Hà Nội tăng 24,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 22,8%; Đồng Nai tăng 9,1%; Quảng Ninh tăng 9%...