Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện đón bằng của UNESCO, ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.
Các đại biểu tập trung tham luận các nội dung: bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam; nghiên cứu gốm Bàu Trúc phục vụ việc bảo tồn, phát huy giá trị; nghệ thuật làm gốm của người Chăm những vấn đề cần bảo vệ khẩn cấp theo tiêu chí của UNESCO; bảo tồn, phát huy nghệ thuật làm gốm của người Chăm sau khi được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; khai thác hiệu quả gốm Chăm làng Bàu Trúc cho phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận; sự gắn kết giữa nghệ thuật làm gốm Chăm và phát triển du lịch bền vững...
Cũng trong chuỗi sự kiện của Lễ hội, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho tỉnh Ninh Thuận. Nhiều tham luận, chia sẻ kinh nghiệm đến từ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và hộ trồng nho đã làm rõ thêm các nhiệm vụ, giải pháp ngành Nông nghiệp đã đề ra trong thời gian tới.
Cụ thể như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nho cho phù hợp thực tế, gắn với chuyển đổi những diện tích các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang trồng nho; ưu tiên quy hoạch các địa điểm trồng nho có diện tích tập trung, sản xuất theo cánh đồng lớn, tạo ưu thế cho việc đầu tư hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông, gắn với du lịch trải nghiệm; đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm các giống nho mới có chất lượng và năng suất cao hơn các giống hiện nay nhằm mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu...
Dịp này, UBND tỉnh trao giải Cuộc thi “Giàn nho đẹp” năm 2023. Giải Nhất thuộc về hộ ông Nguyễn Đình Trí (huyện Ninh Sơn); giải Nhì thuộc về hộ ông Phan Văn Minh (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) và Tống Minh Hoàng (huyện Ninh Phước); 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích thuộc về các hộ trồng nho huyện Ninh Hải và Ninh Phước.