Thực hiện nghiêm túc, chất lượng
Theo Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Thủy, những năm qua, HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện của Bắc Ninh đã phát huy vai trò, chức năng giám sát theo quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng giám sát đối với cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức, như: thẩm tra, xem xét báo cáo công tác của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự.
Đồng thời, xem xét báo cáo của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp tại các kỳ họp thường lệ của HĐND; tổ chức các Đoàn giám sát để trực tiếp giám sát về hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh; tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tổ chức một số phiên giải trình việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến lĩnh vực tư pháp của Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh…
Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND, Ban Pháp chế của HĐND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động giám sát trước và trong các kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Pháp chế, HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng nội dung, kế hoạch thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; báo cáo công tác xét xử của Tòa án nhân dân, báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân, báo cáo của Cục Thi hành án dân sự… trình tại các kỳ họp HĐND.
Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, giao Ban Pháp chế thẩm tra các báo cáo, thực hiện chất vấn các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp trong các kỳ họp HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra được 28 báo cáo thường kỳ của các cơ quan tư pháp trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh; tổ chức 12 cuộc giám sát, khảo sát trực tiếp và tham mưu thực hiện chất vấn tại các kỳ họp đối với các cơ quan tư pháp (Công an tỉnh, TAND tỉnh, Cục THADS tỉnh).
Để thực hiện nội dung chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Pháp chế tham mưu, xây dựng kế hoạch giám sát cơ quan tư pháp thông qua giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Bên cạnh đó, công tác xem xét việc trả lời chất vấn đối với thủ trưởng các cơ quan tư pháp tại kỳ họp HĐND cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng trọng tâm, xác định rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục.
Mặt khác, công tác giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh về hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật cũng được chú trọng. Qua các buổi giám sát, khảo sát trực tiếp, Ban Pháp chế đã xem xét quá trình áp dụng pháp luật của một số vụ án; có kiến nghị cụ thể, xác đáng về một số sai sót trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật, góp phần tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động của cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một thực tế, đó là hoạt động giám sát nói chung, việc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng vẫn còn khó khăn, bất cập, hiệu quả chưa thật cao.
Đại diện Thường trực HĐND tỉnh cho biết, công tác giám sát chưa đều; việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu còn hạn chế, chủ yếu giám sát tại kỳ họp, giám sát chuyên đề chưa nhiều. Một số cuộc giám sát còn mang tính hình thức; nội dung giám sát có lúc chưa sâu, chưa tập trung vào các vấn đề mang tính bức xúc ở địa phương, những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Bên cạnh đó, kết luận của Đoàn giám sát đôi lúc chưa sâu, chưa chỉ đúng căn nguyên, trọng tâm vấn đề; sự tiếp thu, khắc phục của đơn vị còn hạn chế. Ngoài ra, trong thực hiện giám sát vẫn còn có sự né tránh, nể nang, ngại va chạm… nên hiệu lực và hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân chính của khó khăn, tồn tại được các đại biểu chỉ ra, đó là biên chế đại biểu HĐND nói chung, các ban nói riêng còn quá ít; các thành viên Ban đều kiêm nhiệm lại phân bổ theo cơ cấu; trình độ chuyên môn đào tạo ngành nghề khác nhau nên còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thiếu tự tin và quyết liệt khi tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan tư pháp...
Đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị rằng, cần xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề một cách khoa học, có trọng tâm, trọng điểm và thông báo cho đối tượng giám sát biết. Giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh. Đối với từng nội dung giám sát, cần phải có kế hoạch chi tiết nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng giám sát, thành phần đoàn giám sát, thời gian, địa điểm và phương pháp tiến hành giám sát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Đoàn giám sát.
Khẳng định công tác giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp phải mang lại hiệu quả thiết thực đối với xã hội, nhiều đại biểu kiến nghị, HĐND tỉnh khi giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực tư pháp không chỉ dừng lại ở việc nghe báo cáo, dựa trên cơ sở vài ý kiến chung chung, xuôi chiều mà đòi hỏi phải tỏ rõ quan điểm, có lý lẽ xác đáng về những vấn đề nhất trí, không nhất trí với nội dung báo cáo đã nêu.
Đặc biệt cần quan tâm, chú trọng lựa chọn thành viên tham gia Đoàn giám sát là đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, các chuyên gia về lĩnh vực giám sát thuộc các Ban, ngành, các tổ chức xã hội để có thể tiếp cận, đưa ra những căn cứ xác đáng, kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được giám sát.
Báo cáo kết luận giám sát - theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng ban Pháp chế, cần phải toàn diện, đánh giá đúng kết quả, thành tích đã đạt được; động viên tinh thần, phát huy ưu điểm của cơ quan đơn vị được giám sát. Đồng thời, chỉ ra được những khó khăn, tồn tại, khuyết điểm và nguyên nhân khách quan, chủ quan để khắc phục; đề xuất phương hướng, giải pháp cho thời gian tới. Những đề nghị, kiến nghị của Đoàn giám sát phải cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm thực hiện của đơn vị giám sát, của cơ quan liên quan và trách nhiệm theo dõi, đôn đốc sau mỗi đợt giám sát.