Phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược
Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.
Công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và từ những công trình xanh đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến giữa năm 2024 chúng ta đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu mét vuông. Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu mét vuông, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, có thể thấy mặc dù tăng nhanh trong thời gian vừa qua nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn. Chính vì vậy việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.
Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam thời gian qua cũng không ít khó khăn, thách thức như: công trình xanh mới đang phát triển ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh.
Phát biểu tại "Diễn đàn thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp" do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô.
Tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 13.10.2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố xanh – thông minh- hiện đại; Nghị quyết tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh và đảm bảo rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
"Phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược, đưa Hà Nội thành Thành phố xanh – thông minh – hiện đại, xứng tầm với vị thế Thủ đô", ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh. Thông qua Diễn đàn, UBND thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn trong phạm vi thành phố, địa phương
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và đầu tư Vương Thị Minh Hiếu nêu bật những ích lợi của khu sinh thái công nghiệp, đó là: thực hiện mục tiêu quản lý năng lượng các hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp theo hướng bền vững; thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường; giảm các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội; giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước và năng lượng, hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; tiết kiệm chi phí sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao; cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; tiếp cận công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh; chia sẻ nguyên vật liệu sản xuất; chia sẻ các tiện ích trong khu công nghiệp; tăng chất lượng sống cho cộng đồng; thực hiện kinh tế tuần hoàn trong phạm vi thành phố, địa phương.
Về định hướng đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản và hướng dẫn thực hiện khu công nghiệp sinh thái; tăng cường cơ chế phối hợp liên Bộ giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan cho khu công nghiệp sinh thái (tái sử dụng chất thải rắn và nước thải, cơ chế lắp đặt và sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp), lồng ghép các giải pháp khu công nghiệp sinh thái, phát triển hạ tầng xanh trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương theo định hướng, lộ trình về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, lộ trình phi carbon hóa của Chính phủ; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các khu công nghiệp để hoàn thành việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới, hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng xanh cho sản xuất công nghiệp.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng Vũ Ngọc Anh cho biết, ở Việt Nam, những năm gần đây, công trình xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và rất tiềm năng và đa dạng với nhiều loại hình công trình, từ nhà ở, văn phòng, khách sạn…
Trên thực tế, Bộ Xây dựng đã có những Thông tư hướng dẫn các cơ quan chuyên môn để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh vẫn còn một số rào cản về hành lang pháp lý, thiếu nguồn nhân lực, tiết kiệm năng lượng, chi phí đầu tư cao.
Tới nay, Bộ Xây dựng đã có những quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng; xem xét và ban hành quy chuẩn cơ sở mới giúp các chủ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình theo tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi sử dụng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường.