Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua hoạt động giám sát cho thấy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã đưa vào Chương trình công tác hàng năm về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, xác định là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của pháp luật. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, phần lớn văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.
Để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nề nếp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết và phù hợp với vị trí, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “cơ quan thường trực của Quốc hội”, “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội” theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Về kỳ báo cáo, có ý kiến cho rằng, quy định về kỳ giám sát không bảo đảm tính chủ động trong việc thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc, từng Ủy ban và không phù hợp với thực tế (ví dụ: kỳ giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Tư pháp là từ ngày 1.10 năm trước đến ngày 30.9 năm sau và được kết hợp cùng với việc xem xét các báo cáo về công tác tư pháp hàng năm, trong khi kỳ báo cáo theo Dự thảo là từ ngày 1.7 năm trước đến ngày 30.6 năm sau).
Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc xác định cụ thể kỳ giám sát là nội dung cần thiết để bảo đảm tính thống nhất trong việc đánh giá, tổng hợp và phù hợp với kiến nghị, đề xuất của hầu hết các cơ quan của Quốc hội. Hơn nữa, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Do vậy, đây là hoạt động không phụ thuộc vào việc các cơ quan thi hành phải báo cáo mà là hoạt động mang tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội thông qua việc theo dõi, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trên Công báo hoặc do các cơ quan gửi đến. Trong quá trình thực hiện giám sát, trường hợp phát hiện văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật của Quốc hội thì cần phải báo cáo ngay Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại bất kỳ phiên họp nào. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các cơ quan của Quốc hội, ý kiến tham gia của Thường trực Ủy ban Pháp luật và từ thực tiễn thực hiện hoạt động này thời gian qua cũng cho thấy kỳ giám sát như trong dự thảo Nghị quyết cũng phù hợp với thời điểm để các cơ quan của Quốc hội tiến hành đánh giá, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 hàng năm.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nêu rõ tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong đó có nội dung rất quan trọng là nâng cao chất lượng chiến lược xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật càng có ý nghĩa quan trọng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn về việc giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rất có ý nghĩa, cần phải làm nhanh. Hiện nay, đúng với chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và đúng với Kết luận 522 Phiên họp thứ Năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25.11.2021 và cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Vừa qua, cơ quan chủ trì soạn thảo là Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, quá trình soạn thảo đã có cố gắng và hiện nay 3 chương với 14 điều đã cơ bản thể hiện rõ các nội dung. 3 ý kiến xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm quyền ban hành Nghị quyết, phạm vi giám sát, kỳ báo cáo cũng đã nêu rất rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết hướng dẫn.
Về phạm vi giám sát, theo Phó Chủ tịch Quốc hội cần phân công theo chức năng, nhiệm vụ và phối hợp giữa các cơ quan; không chỉ giám sát các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành mà còn giám sát cả các văn bản tổ chức thực hiện...; có giám sát thường xuyên, có giám sát theo chuyên đề, có giám sát theo hướng dẫn...
Về một số vấn đề khác có liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tổng hợp hơn, bổ sung các nội dung về nguyên tắc giám sát, trình tự giám sát bao gồm cả xây dựng kế hoạch giám sát nói chung, kết luận giám sát.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số nguyên tắc chung trong dự thảo Nghị quyết trước khi tiếp tục hoàn thiện và ban hành trong tháng 7 này.