Đây cũng chính là vấn đề nhận được sự quan tâm của không ít địa phương đã và đang tự chủ được ngân sách. Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội ngày 1.11, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề xuất, đối với nguồn thực hiện cải cách tiền lương, sau khi ngân sách bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền thì cho phép HĐND tỉnh được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương như cơ chế đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, nhất là đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là chính sách cần thiết đối với các địa phương chủ động được ngân sách, có đóng góp lớn cho ngân sách được đầu tư, tạo đột phá cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Những chính sách đặc thù, vượt ra khỏi những quy định thông thường sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển bứt phá.
TS. Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, đánh giá cao quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương vào 1.7.2024 trên cơ sở nguồn lực tiết kiệm từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Theo TS Bùi Sỹ Lợi, với nguồn thực hiện cải cách tiền lương của địa phương sau khi bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định thì cho phép Hội đồng nhân dân được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương như cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương.
Ngay từ Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, Quốc hội đã quyết định cho phép “các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật”.
Sau đó, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép 4 địa phương được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2020 để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật. Cụ thể, các dự án gồm: Thành phố Hà Nội 5.000 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh 2.950 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 3.180 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương 4.000 tỷ đồng.
Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Trong đó có nội dung, HĐND thành phố được quyết định việc sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách, chi thu nhập tăng thêm.
Chỉ riêng tại Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2023, HĐND thành phố đã cho phép sử dụng gần 3.765 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố để chi đầu tư phát triển. Thành phố cũng cho phép một số quận sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp quận để chi đầu tư phát triển là 7.881 tỷ đồng. Tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hồi tháng 7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đã tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách, giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có.
Từ thực tế một số địa phương đã triển khai, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu cho rằng, khi địa phương đủ mạnh để tự chủ được về ngân sách, Trung ương không còn phải chi bổ sung thì việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của địa phương là hoàn toàn phù hợp. Bởi địa phương sử dụng nguồn ngân sách ấy chi cho đầu tư phát triển, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế phát triển, giúp địa phương tăng thêm nguồn thu, từ đó, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách trung ương.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhấn mạnh, điều này đảm bảo cân bằng phát triển kinh tế bền vững của các vùng, miền; đồng thời giúp một số địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách thêm cơ hội đầu tư thỏa đáng. Tuy nhiên, tại các địa phương đang thưc hiện “chính sách đặc thù” này, cần có tổng kết, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn cũng như cách thức sử dụng vốn đã phù hợp chưa, cần điều chỉnh gì, trên cơ sở đó có thể nhân rộng, vừa khuyến khích các địa phương nỗ lực tăng thu cho ngân sách Nhà nước và tăng cân đối tại địa phương, giúp các tỉnh “đầu tàu” thêm động lực phát triển.
Thực tế, tại nhiều địa phương, nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các dự án trọng điểm nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn là rất lớn. Bên cạnh việc cho phép một số địa phương được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển, các tỉnh phải trách nhiệm dành nguồn còn lại để thực hiện cải cách tiền lương cho giai đoạn 2021-2025 theo đúng Nghị quyết số 27 của Trung ương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành, không sử dụng cho các mục đích khác.