Sản lượng khai thác suy giảm đáng kể
Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than Bộ Công thương nhấn mạnh, ngành dầu khí đã thể hiện được vai trò mũi nhọn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế đất nước, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển và đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế...
Thống kê cho thấy, đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được 420 triệu tấn dầu trong nước và 170 tỷ mét khối khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện trên thềm lục địa Việt Nam vào khoảng trên 1,5 tỷ mét khối quy dầu. Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi còn lại khoảng 800 triệu mét khối quy dầu (trong đó khoảng 300 triệu mét khối dầu và 500 tỷ mét khối khí). Tuy nhiên, việc khai thác nguồn tài nguyên này ngày càng khó khăn do các mỏ nằm ở vùng nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp.
Cho rằng tiềm năng dầu khí đã được khẳng định nhưng chưa đạt được như kỳ vọng, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập thông tin, sản lượng dầu đang suy giảm, nhưng chưa có cách sớm đưa các mỏ, mỏ cận biên để bù đắp. Trong khi đó, các dự án phát triển theo chuỗi đang gặp khó khăn, bởi phải tích hợp nhiều khung pháp lý, tích hợp rất nhiều luật, dẫn đến sự chậm trễ không mong muốn.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, hiện có các xu hướng “đi ngược nhau” rất đáng quan ngại. Xu hướng thứ nhất là giảm phát hiện mới, giảm mỏ mới (nguồn cung mới), giảm sản lượng mới, giảm hợp đồng mới. Xu hướng thứ hai là sự gia tăng về nhu cầu và giá xăng dầu. Cùng với đó là sự gia tăng các tranh chấp, tăng chi phí cả về điều tra, thăm dò, khai thác, sản xuất…
"Từ năm 1981 đến nay, nước ta có 108 hợp đồng dầu khí. Thực tế hiện nay chỉ còn 50 hợp đồng đang còn hiệu lực, trong đó có một số hợp đồng “ngủ đông”. Trong 7 năm qua, dầu khí Việt Nam chỉ có 3 hợp đồng mới. Như vậy, nếu không được quan tâm đúng mức, ngành dầu khí sẽ hao mòn. Trong bối cảnh này, sửa đổi Luật Dầu khí để thu hút đầu tư mới, để khắc phục những hạn chế này là vô cùng cần thiết", TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, gần đây, một số hoạt động thực tế đã và đang xảy ra trong hoạt động dầu khí nhưng chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh hoặc phù hợp để nâng cao hiệu quả cho ngành dầu khí. Ví dụ vấn đề tận thu, điều tra cơ bản trong hoạt động dầu khí, tài chính dầu khí... Theo ông Hiếu, để nâng cao hiệu quả hoạt động dầu khí, cần bổ sung những khung thể chế cho phù hợp.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, sửa Luật Dầu khí là rất cần thiết để tạo khung pháp lý rõ ràng hơn và phù hợp với bối cảnh mới.
Cần cách tiếp cận đa chiều về ưu đãi đầu tư
Dự kiến, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào ngày mai, 15.6.
Theo TS. Võ Trí Thành, dự án Luật đã có những thay đổi rất căn cơ, “không phải là bỏ chương này thêm chương kia mà có những cái thay đổi dựa trên những "va đập" thực tiễn của ngành dầu khí với bối cảnh mới”.
Liên quan đến vấn đề ưu đãi trong hoạt động dầu khí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, cần một cách tiếp cận đa chiều. Bên cạnh những ưu đãi trực tiếp, cải thiện môi trường kinh doanh chính là ưu đãi thiết thực, công bằng nhất và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) làm rất tốt điều này.
Về các ưu đãi trực tiếp, theo ông Hiếu, dự án Luật phải có một hệ thống ưu đãi đầu tư trực tiếp cạnh tranh và dài hạn, không lạc hậu ngay sau khi ban hành luật. Theo đó, dự thảo Luật phải có tính linh hoạt, trên cơ sở nguyên tắc hài hòa lợi ích và có thể tiếp cận theo từng dự án, từng nhà đầu tư trong từng trường hợp.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã bổ sung một chương về điều tra cơ bản về dầu khí; trong đó nêu rõ Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điều tra cơ bản và Nhà nước cung cấp ngân sách một phần. Các chuyên gia cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư theo dự thảo Luật chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí. Vậy câu hỏi đặt ra là có áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho cả hoạt động điều tra cơ bản không? Điều cần tính tới để bảo đảm thống nhất.
Ủng hộ dự thảo Luật quy định cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt do Chính phủ quyết định, ông Phan Đức Hiếu cho rằng đây là tiền đề, là nền tảng cho việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư mang tính chất cạnh tranh nhưng bảo đảm bí mật. Tuy nhiên, nên quy định thêm một số nguyên tắc để Chính phủ có căn cứ quyết định cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt để không xảy ra sự lạm dụng.
Cũng theo ông Hiếu, các chính sách ưu đãi nên đa dạng thay vì đơn thuần là giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp.
“Trên thế giới có cơ chế ưu đãi đầu tư dựa trên chi phí. Áp dụng cơ chế này sẽ đạt được hai mục tiêu, vừa tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư đủ để thu hút, vừa có thể giúp quốc gia đó thúc đẩy hoạt động đầu tư vào lĩnh vực mà Chính phủ mong muốn như thúc đẩy bảo vệ môi trường, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đầu tư, thúc đẩy về việc đào tạo, chuyển giao công nghệ”, ông Hiếu cho hay.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS. Võ Trí Thành:Sửa chương về PVN theo hướng chặt chẽ, có chuyển đổi căn bảnDự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có riêng một chương mới quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đây là vấn đề cực khó khi Tập đoàn vừa ở vai Nhà nước, vừa ở vai doanh nghiệp. Làm thế nào để không "vừa đá bóng, vừa thổi còi" là việc không dễ dàng. Trên thế giới có những mô hình khác nhau, cũng có những mô hình vừa đóng vai trò Nhà nước vừa đóng vai trò doanh nghiệp, cũng có mô hình thuần túy mang tính chất thị trường... mang tính cạnh tranh, tách biệt vai trò với Nhà nước. Cũng có những mô hình giao thoa giữa các loại hình.
Chọn mô hình nào là do chúng ta. Nếu chuyển hẳn mô hình mới thì chi phí chuyển đổi không hề nhỏ. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác như luật, xã hội... Dự thảo lần này tinh thần là sự kế thừa, PVN vẫn đóng vai trò như một doanh nghiệp Nhà nước và cũng có vai trò quản lý Nhà nước và với cách tiếp cận của tôi, duy trì mô hình này trong 10 - 15 năm là hợp lý. Chúng ta cần tập trung nguồn lực để chỉnh lại chương này theo hướng chặt chẽ, có chuyển đổi căn bản.
Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam Đoàn Văn Thuần:Phân cấp cho PVN là bước đột phá, phù hợp thông lệ quốc tếSửa đổi Luật Dầu khí sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư cạnh tranh toàn diện, không chỉ về mặt cơ chế tài chính mà còn ở phân cấp, phân quyền cho công tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục.
Theo Luật Dầu khí hiện hành, hầu hết các quy trình liên quan, khi triển khai các hợp đồng dầu khí đều phải được Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay, nội dung này đã được phân quyền cho cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Công thương phê duyệt: từ báo cáo chất lượng, báo cáo phát triển mỏ…
Lần này, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) bổ sung quy định về phân cấp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt: kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí; điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí/kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, trong một số trường hợp có sự thay đổi không lớn về kỹ thuật, chi phí nhằm đẩy nhanh tiến độ, phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ. Có thể nói đây là một bước đột phá, phù hợp hơn với thông lệ dầu khí quốc tế và chủ trương phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong:Ngành dầu khí nhiều rủi ro nên phải có ưu đãiDầu khí là ngành nhiều rủi ro. Thứ nhất là rủi ro về kỹ thuật. Dầu ở dưới sâu, soi, thăm dò chưa chắc đã đúng vị trí túi dầu. Nếu không có dầu thì mất hết tiền đầu tư. Khi thăm dò gặp trục trặc kỹ thuật, có thể gây tai nạn và thảm họa. Thứ hai là rủi ro về thị trường. Thứ ba là rủi ro về thời tiết, thiên tai cực đoan. Ở Biển Đông hứng chịu rất nhiều bão, các dạng thời tiết cực đoan.
Chính vì vậy, ưu đãi với ngành dầu khí là cần thiết nhằm tạo ra sự hấp dẫn cho các dự án, tăng cơ sở để nhà đầu tư quyết tâm đầu tư. Đặc biệt, khi xuất hiện những rủi ro mới về chính trị, địa chính trị thì cần sửa luật để có những ưu đãi mới nhằm giảm rủi ro cho ngành dầu khí.
Ngoài ưu đãi về thuế, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Việc bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh đầu tư cho các doanh nghiệp cũng góp phần giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh...
Các chính sách cần được sử dụng đồng bộ, phù hợp để tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, đủ khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ngành dầu khí, giúp các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập:Dự thảo Luật phải đáp ứng cả tình huống “động”Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ưu đãi, thu hút, loại bỏ nhiều rào cản cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ đáp ứng được các tình huống tĩnh, còn các tình huống linh hoạt thì chưa.
Ví dụ trường hợp nhà đầu tư vào ký kết hợp đồng dầu khí, sau khi triển khai giai đoạn 1, giai đoạn 2 thì phát hiện ra mỏ có trữ lượng ít. Nghĩa là điều kiện như ban đầu của hợp đồng không đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tiếp tục đầu tư khai thác, vậy có được xem xét để điều chỉnh sang dạng đặc biệt khuyến khích hay không?
Trong hoạt động ngành dầu khí cũng cần lưu ý những tình huống "động", tình huống thay đổi. Ví dụ giá dầu xuống thấp, giá trị dự án giảm sút thì cần có chính sách điều tiết cho giá dầu.
Chúng tôi rất muốn sửa Luật lần này phải có khung mở hơn và xử lý được những tình huống như vậy. Phải có khung cụ thể cho từng đối tượng cụ thể mới "đánh thức" hết tiềm năng tài nguyên.
A. Thơ - T.Phong - T.Trang;Ảnh: Duy Thông