Theo đó, nhiều đại biểu thống nhất với Phương án 1 của Dự thảo luật: tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.
Bảo đảm cơ sở pháp lý, thực tiễn
Nhất trí với Phương án 1, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng: Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam có yêu cầu Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động. Về căn cứ thực tiễn, tổ chức Công đoàn cũng đã thực hiện trên thực tế. Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị, cần thiết để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình - đại biểu nhấn mạnh.
Nhấn mạnh có thể yên tâm khi giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất từ năm 2017, đạt được những kết quả cụ thể, được công nhân và người lao động đón nhận. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn có đầy đủ tư cách pháp nhân và các phòng chuyên môn để tổ chức thực hiện đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai mà không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chính trị khác.
Hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí
Để bảm đảm tính khả thi của Phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư. Đại biểu đặt tình huống, khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”. Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Việt Nga, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, đối với các nhà do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ ưu tiên bố trí cho công nhân lao động nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được sử dụng khi quỹ nhà vẫn còn và các đối tượng này có nhu cầu để bảo đảm hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí. Tuy nhiên, cần thông qua một cơ chế phù hợp nào đó - đại biểu nhấn mạnh.