Chính sách nhân văn
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc chuyển biến nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật là chưa đủ. Điều quan trọng là phải làm sao để người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, thu nhập chính đáng và ổn định cuộc sống.
Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã đồng lòng, hợp sức nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là lần đầu tiên có một cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống; đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Đồng quan điểm trên, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng nhấn mạnh, việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; trong đó, có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua NHCSXH.
Với lợi thế mạng lưới rộng khắp trong toàn quốc: 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố, 628 phòng giao dịch cấp huyện, hệ thống 10.449 điểm giao dịch xã xuống tận các xã/phường/thị trấn và mạng lưới 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, ấp, NHCSXH sẽ là cầu nối nhanh nhất tới các trường hợp vừa chấp hành xong án phạt tù.
Sẵn sàng phục vụ
Chia sẻ về kế hoạch triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, cả hệ thống chính trị và NHCSXH đã, đang và luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, nhân lực, vật lực để thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung và chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, với tinh thần cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện "phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã".
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng cho biết thêm, trước khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, NHCSXH cũng đã giải ngân cho 191 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, với dư nợ đạt 9.319 triệu đồng. Trong đó, dư nợ bằng nguồn vốn ngân sách địa phương là 4.995 triệu đồng, với 127 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn.
Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, theo tổng hợp nhanh từ các địa phương, số người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn là 2.089 người, với số tiền 138 tỷ đồng. Để các địa phương có nguồn vốn giải ngân ngay sau khi Quyết định có hiệu lực, NHCSXH đã tạm giao chỉ tiêu kế hoạch cho các địa phương số tiền là 57,5 tỷ đồng. Từ khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực đến nay, NHCSXH đã giải ngân cho 145 khách hàng, số tiền là 10,82 tỷ đồng. Điển hình như các chi nhánh Hải Dương 19 khách hàng, số tiền 1,85 tỷ đồng; Hà Nội 13 khách hàng, số tiền 1 tỷ đồng; Hưng Yên 13 khách hàng, số tiền 1 tỷ đồng; Bạc Liêu 11 khách hàng, số tiền 520 triệu đồng…
Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời, cũng là cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.