Liên kết để cùng phối hợp

- Thứ Ba, 13/04/2021, 20:05 - Bản đầy đủ
Liên kết để cùng phối hợp trong công tác, phát huy năng lực của các thành viên, hội viên, không chỉ thuần túy là bảo vệ quyền lợi của hội viên mà còn giúp định hình một mô hình liên kết giữa tổ chức công đoàn và các hội nghề nghiệp. Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu  tại hội thảo Tăng cường mối liên kết Hội nghề nghiệp, Hội khoa học kỹ thuật và Công đoàn Việt Nam đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy định pháp luật, do Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á tại Việt Nam tổ chức chiều nay (13.4), tại Hà Nội.

Hoạt động theo nguyên tắc “3T”

Lao động trình độ cao đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển của mỗi đất nước. Tại Việt Nam, một phần lớn lực lượng lao động này là thành viên của các Hội Nghề nghiệp, Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT). Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, những Hội này phải đối diện với nhiều thách thức bao gồm hạn chế về năng lực tổ chức và nguồn lực để có thể hoạt động hiệu quả, bền vững.

Các Hội ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng về loại hình tổ chức, mục tiêu, tôn chỉ và phương thức hoạt động. Tính đến năm 2018, cả nước có 52.082 Hội, trong đó có 483 Hội cấp Trung ương (28 Hội đặc thù) và 51.599 Hội cấp địa phương (8.764 Hội đặc thù). 

Toàn cảnh Hội thảo

Nhận định về tình hình hoạt động của các Hội KHKT và hội nghề nghiệp, ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương cho rằng, các Hội KHKT và hội nghề nghiệp hiện nay được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc 3T: tự nguyện, tự trang trải kinh phí, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các hội nghề nghiệp và hội KHKT là tổ chức tập hợp phần lớn lao động có trình độ tay nghề cao, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển sâu rộng và hội nhập toàn cầu của đất nước. Tuy nhiên, những hội này đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về năng lực tổ chức và nguồn lực. Do đó, các hội nghề nghiệp và hội KHKT cũng có chung nhiệm vụ với công đoàn Liên hiệp Hội là đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho rằng, dù những năm qua, đa số các tổ chức hội đã coi trọng, quan tâm đến thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, thành viên thuộc tổ chức mình, tuy vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên còn một số hạn chế. Đó là, chưa thực hiện đại diện bảo vệ hội viên khi quyền, lợi ích chính đáng của hội viên bị xâm hại và hội viên vi phạm pháp luật hình sự, chưa có sự phối hợp, liên kết giữa các tổ chức hội để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên. Nguyên nhân này xuất phát từ, quan tâm của lãnh đạo các tổ chức hội đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên còn bị xem nhẹ. Nhận thức của hội viên về quyền được tổ chức hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chưa đầy đủ. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên không còn phù hợp với thực tiễn chậm được sửa đổi, bổ sung trong đó có Nghị định số 77/2007/NĐ-CP. Một số quy định mới chậm được hướng dẫn thực hiện (chế định bào chữa viên nhân dân).

Liên kết để phát huy năng lực của các thành viên, hội viên

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, các hội viên tham gia Hội nghề nghiệp đều là những người lớn tuổi, đã từng là đoàn viên công đoàn nhưng khi tham gia các hội thì rất ít người là đoàn viên công đoàn. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp để tập hợp được các thành viên của các hiệp hội, thành lập được tổ chức công đoàn ở các Hội Nghề nghiệp, Hội Khoa học kỹ thuật để tạo nên sự gắn kết. Bởi không có tổ chức công đoàn, rất khó để bảo vệ được các thành viên hiệp hội, hội khoa học kỹ thuật, ông Hiểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo

Từ kinh nghiệm quốc tế, thành viên của các Hiệp hội ở các nước có nhiều người trẻ, ông Hiểu cũng đề nghị, cần có giải pháp để trẻ hóa được lực lượng là thành viên của các hiệp hội. Cùng với đó, cần định hình một mô hình liên kết giữa tổ chức công đoàn và các hội nghề nghiệp.

“Liên kết để cùng phối hợp trong công tác, phát huy năng lực của các thành viên, hội viên, không chỉ thuần túy là bảo vệ quyền lợi của hội viên”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Chia sẻ về kết quả Dự án Nâng cao hiệu quả thực hiện Công tác tuyên truyền về quyền lao động và công đoàn cho các Hội nghề nghiệp và Hội Khoa học kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam, đóng góp vào việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở Việt Nam”, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm Dự án đã đưa ra bản khuyến nghị chính sách nhiều nội dung. Trước hết là đối với các Hội Nghề nghiệp, Hội Khoa học kỹ thuật, cần phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề cao ở Việt Nam là góp phần thúc đẩy quyền lao động và quyền công đoàn theo quy định pháp luật; nâng cao năng lực quản trị, nguồn lực cán bộ; xây dựng và duy trì năng lực liên kết, tìm kiếm và duy trì nguồn lực tài chính của Hội nghề nghiệp và Hội Khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh các hình thức công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cần có các hình thức đa dạng khác theo nhu cầu phong phú của thực tiễn như: Công đoàn/nghiệp đoàn ghép, liên kết mềm; liên kết mềm giữa công đoàn với các hội, hiệp hội, tổ chức hoặc các hình thức tập hợp, đại diện khác của người lao động có cùng mục đích nói lên tiếng nói của người lao động, đại diện bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của mọi người lao động.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương

Cũng theo ông Tiến, tổ chức Công đoàn cần tăng cường liên kết, xây dựng mối liên hệ công tác giữa các cấp Công đoàn Việt Nam với các cấp Hội nghề nghiệp và Hội khoa học kỹ thuật ở cấp Trung ương và địa phương; có chiến lược phát triển đoàn viên, có các hình thức tập hợp người lao động ở mọi khu vực (chính thức và phi chính thức) để mở rộng độ bao phủ của tổ chức Công đoàn đáp ứng nhu cầu chính đáng, khách quan là quyền có đại diện và được đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. Bên cạnh các hình thức công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cần có các hình thức đa dạng khác theo nhu cầu phong phú của thực tiễn như: công đoàn/nghiệp đoàn ghép, liên kết mềm; liên kết mềm giữa công đoàn với các Hội, hiệp hội, tổ chức hoặc các hình thức tập hợp, đại diện khác của người lao động có cùng mục đích nói lên tiếng nói của người lao động, đại diện bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của mọi người lao động.

Nhấn mạnh về việc cần tạo sức mạnh từ sự liên kết, ông Thông cho rằng, việc liên kết giữa công đoàn và các hội nghề nghiệp, hội KHKT với tiêu chí hiệu quả sẽ góp phần đôi bên cùng có lợi. Đặc biệt, việc liên kết chặt chẽ sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các hội viên, nhất là trong những vụ tranh chấp có liên quan đến pháp luật do các hội nghề nghiệp có chuyên môn sâu, ông Thông nói.

Trong khi đó, để bảo vệ quyền lợi của hội viên, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luât gia thành phố Hà Nội đề nghị mỗi tổ chức hiệp hội cần thành lập Ban bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên; Tổ bào chữa viên nhân dân. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật, bào chữa viên nhân dân có năng lực, trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

Ngoài ra, sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật cho phù hợp với giai đoạn mới, cũng như sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế định bào chữa viên nhân dân theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Hà An

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP