Lạm phát năm 2021 chịu nhiều áp lực

- Thứ Hai, 11/01/2021, 07:44 - Bản đầy đủ
Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, song điều này sẽ tạo áp lực lớn đến lãi suất, tỷ giá và lạm phát.

Thị trường hàng Tết có thể khởi động muộn

Cuối năm là thời điểm sôi động nhất của thị trường do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho biết, do nhu cầu phục vụ Tết dương lịch 2021 và chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán, chỉ số giá tiêu dùng của nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 12 tăng 0,13%, nhóm lương thực tăng 0,43%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép cũng tăng 0,15% và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%.

Nguồn: ITN

Theo các chuyên gia kinh tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường hàng Tết năm nay có thể khởi động muộn hơn so với mọi năm. Hiện tại, nhiều siêu thị đã bắt đầu bày bán các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán. 

Nhằm bình ổn giá cả thị trường trong Tết nói riêng và kiểm soát lạm phát nói chung, Bộ trưởng Bộ Tài chính mới đây đã ký ban hành Chỉ thị 06 yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu; có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết. Ngoài ra tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá; chủ động xây dựng kịch bản lạm phát trong năm 2021 trong đó tính toán chi tiết tác động các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và lạm phát nói riêng, chú trọng các tác động từ tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ có thể xảy ra. Trên cơ sở kịch bản lạm phát, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp điều hành phù hợp.

Lạm phát có xu hướng tăng 

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính TS Nguyễn Đức Độ nhận định, trong năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhờ có vaccine, đồng thời kinh tế thế giới và trong nước phục hồi, lạm phát sẽ có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, với việc lạm phát tháng 12.2020 đang ở mức rất thấp là 0,19%, lạm phát trung bình năm 2021 không thể cao, nhất là khi kinh tế sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Với giả định lạm phát cơ bản tăng trung bình 0,23%/tháng, tương đương năm 2019, TS Nguyễn Đức Độ dự báo chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước của tháng 12.2021 sẽ tăng hơn 3%, còn lạm phát trung bình ở mức hơn 2%. Trong trường hợp có biến động mạnh về giá xăng có hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình năm 2021 nhiều khả năng vẫn dưới 3%.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, năm nay đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể dùng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ nông nghiệp vì đây là ngành xương sống của kinh tế và năm nay chưa phải là thời điểm để kỳ vọng vào du lịch. Ngoài ra, các hiệp định thương mại có thể là công cụ để thúc đẩy xuất khẩu. Những yếu tố này khả năng khiến lạm phát gia tăng.

Trước dự báo sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sẽ tạo áp lực lớn đến lãi suất, tỉ giá và lạm phát, các chuyên gia lưu ý rằng, ưu tiên hàng đầu trong năm nay nên là các nhóm chính sách về kiểm soát dịch bệnh.  

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Các cơ quan quản lý như Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.

Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính với chức năng quản lý giá cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường của các mặt hàng thiết yếu, chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ để hạn chế trường hợp hàng hóa khan hiếm dẫn đến tình trạng “thổi” giá, gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Minh Trang

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP