Sự kiện Công ty cổ phần xây lắp và đầu tư Sông Đà chính thức hủy niêm yết 2,8 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi doanh nghiệp này đang kinh doanh hiệu quả, song Đại hội cổ đông vẫn quyết định chuyển sang giao dịch tại thị trường đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tất nhiên, doanh nghiệp này không phải là trường hợp đầu tiên, mà nhiều đơn vị khác đã tự nguyện xin hủy niêm yết, chỉ khác là do kinh doanh thu lỗ nên tự rút lui trước khi bị buộc phải chuyển sang sàn giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết chính thức (Upcom). Một số doanh nghiệp đã công bố kế hoạch niêm yết cũng lùi thời điểm thực hiện. Những hiện tượng này khiến có sự băn khoăn là sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán giảm mạnh không?
Có thể điều này là đúng, vì doanh nghiệp sẽ không niêm yết cổ phiếu nếu không thấy được những lợi ích từ hoạt động này như thời gian trước. Thực tế, trong những năm thị trường sôi động, nhiều doanh nghiệp có quy mô khá nhỏ, song nhờ chính sách phát triển hàng hóa cho thị trường này trong giai đoạn đầu, mà đã niêm yết thành công. Từ năm 2006 - 2010, nhiều doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu đến 4 - 5 lần so với trước khi niêm yết công khai để mở rộng quy mô. Thời điểm này cũng là lúc Ủy ban Chứng khoán nhận được nhiều hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng của các đơn vị. Tuy nhiên, từ khi hai chỉ số chính là Vn-Index và HNX- Index giảm điểm, thị trường ảm đạm thì ngày từ năm 2011, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới đã giảm hơn 70% so với năm trước đó, xuống chỉ còn vài chục trường hợp. Trong 9 tháng qua, các sàn giao dịch mới ghi nhận được 8 doanh nghiệp niêm yết mới, trong khi có 20 doanh nghiệp hủy niêm yết.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất khi doanh nghiệp rời sàn giao dịch Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân do cổ phiếu sẽ không có thanh khoản cao khi chuyển xuống Upcom hoặc OTC. Tính hấp dẫn giảm và theo đó giá sẽ giảm. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp sau khi hủy niêm yết cũng không hoạt động (như trường hợp VKP) hoặc các cổ đông lớn mua lại cổ phiếu với giá thấp (như trường hợp TRI). Nhà đầu tư sẽ khó thu hồi vốn hoặc chấp nhận thua lỗ lớn trong trường hợp này.
Trái ngược với góc nhìn này, có quan điểm cho rằng, việc hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết là sự loại bỏ cần thiết các mã yếu kém, từ đóp góp phần nâng chất lượng hàng hóa trên thị trường. Đây là chuyển biến có lợi cho cả thị trường và các nhà đầu tư, thành viên trên sàn giao dịch. Tạo áp lực lên các doanh nghiệp còn niêm yết trên hai sàn để tự cải tiến phương pháp quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình. Chất lượng các mã cổ phiếu niêm yết nâng lên cũng có nghĩa hoạt động đầu tư sẽ giảm rủi ro hơn, củng cố niềm tin với thị trường này. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn cần một thời gian dài mới có thể nâng chất lượng hàng hóa của mình. Bởi theo thống kê hiện có 40% doanh nghiệp niêm yết không đạt các tiêu chuẩn theo Thông tư 58 về các điều kiện để niêm yết trên hai sàn giao dịch Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dù vậy, khi kinh tế phục hồi tăng trưởng, ổn định trở lại thì có thể tin vào việc nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, và giao dịch sẽ sôi động trở lại.
Thị trường chứng khoán được xác định là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, và là nơi quy tụ các doanh nghiệp lớn trong nước. Vì vậy, thị trường này không nhất thiết phải đón tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp làm ăn tốt. Điều quan trọng trước hết là các doanh nghiệp trên sàn phải là những điểm sáng về sản xuất kinh doanh, về minh bạch, về quy mô... Các doanh nghiệp lên sàn nên là những đơn vị có ý thức cao về khâu công bố thông tin tới cổ đông. Bởi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng là một cơ hội quảng bá thương hiệu với cổ đông trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội tìm đối tác chiến lược hơn so với tự xoay sở trên thị trường tự do. Các chỉ số quan trọng của thị trường giảm điểm mạnh trong những tháng qua chủ yếu do ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế vĩ mô. Do đó, ngoại trừ doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc hủy niêm yết, thì với doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả tự nguyện rời bỏ sàn giao dịch sẽ là lợi bất cập hại, nhất là về uy tín và thương hiệu.