Sau một thời gian, việc này cũng tạm lắng, dù trước đó không ít vấn đề được đặt ra như vì sao các siêu thị có quy trình kiểm soát, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu; có yêu cầu về quản lý hàng hóa, chất lượng nhưng hàng hóa không bảo đảm chất lượng vẫn "chui lọt"?
Mới đây nhất, tại Hội nghị đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng, vấn đề an toàn thực phẩm, lại được đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nêu ra. Đó là để tiến tới nền thực phẩm sạch, doanh nghiệp phải tiên phong dấn thân mới có thể cải hoá được phương pháp truyền thống của nông dân.
Lý do là thời gian qua thực phẩm bẩn, rau "dỏm" gắn mác VietGAP vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Việc này, theo ông Hoan, bản thân có phần trách nhiệm, nhưng thực tế rất khó để kiểm soát chất lượng khi nền nông nghiệp còn manh mún như hiện nay. Để định hướng lâu dài, cần có cách tiếp cận khác, ví dụ thay vì chỉ cơ quan quản lý giám sát, doanh nghiệp phải là đơn vị tiên phong dấn thân làm, hướng dẫn, đặt hàng người nông dân để cho ra thực phẩm, nông sản sạch.
Nhấn mạnh thêm về cách tiếp cận này, ông Hoan cho rằng, tôi nói có thể nông dân không nghe nhưng các doanh nghiệp - đầu mối mua hàng - hướng dẫn, đưa ra các yêu cầu để hợp tác làm nông sản sạch, nông dân sẵn sàng hưởng ứng. Và rằng bước đầu có thể làm việc ở quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần khi tất cả đã vào guồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và nông dân cũng nên hợp tác bằng tư duy để tạo ra chuỗi giá trị chung như mô hình trên thay vì chỉ mua đứt bán đoạn. Thời gian đầu, doanh nghiệp cần tiếp cận trực tiếp nông dân, hiểu tâm tư và hướng người nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, sau cùng mới đàm phán giá. Khi mọi thứ đã theo quy trình và cả hai đều hướng tới người tiêu dùng, sản phẩm làm ra dù giá cao vẫn được đón nhận - ông Hoan nhấn mạnh.
Để làm được việc này, đương nhiên các cơ quan chức năng cần hoàn thiện các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn nông sản sạch. Chuyển hoạt động khuyến khích sản xuất trong nông nghiệp sang bắt buộc từ quy mô nhỏ, dần chuyển sang diện rộng, đồng thời siết chặt các chứng nhận nông sản, chuẩn hóa lại quy trình kiểm nghiệm để nông dân và doanh nghiệp dễ dàng thực thi hơn, tạo điều kiện để nông nghiệp có những bước chuyển mình mới.
Để nông nghiệp Việt có bước chuyển mình mới như kỳ vọng của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm và không thể trong ngày một ngày hai. Dù vậy, sẽ không thể "cán đích" nếu như không xác định được mục tiêu cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là những chủ thể sẽ phải "dấn thân" thực hiện.