Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021– 2025 và để hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm 0,6 - 1,0% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, tỉnh Hà Tĩnh xác định triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nghèo, cận nghèo; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn...
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương đã rất quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; các chính sách về hỗ trợ BHYT, tiền điện, hỗ trợ giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội…
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh triển khai 20 - 30 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình từ 100 - 200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 - 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các mô hình chủ yếu hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi... ở các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn...
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo đặc thù phù hợp với thực trạng hộ nghèo trên địa bàn như: đối với nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, tập trung hỗ trợ sinh kế, dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...; đối với nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, ưu tiên tập trung hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ thu nhập hàng tháng.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh Phan Tấn Linh cho biết: "Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo để toàn thể người dân biết và phối hợp thực hiện. Đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững…".
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn đang còn ở mức cao. Vì vậy, rất cần sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vượt bậc của chính người nghèo mới có thể hoàn thành được chương trình đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống mức thấp nhất.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương ở Hà Tĩnh còn chênh lệch quá lớn. Cần rà soát, đánh giá chính xác hộ nghèo, điều chỉnh lại chỉ tiêu giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững gắn với công tác kiểm tra, trách nhiệm người đứng đầu.