Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đã thể hiện những quy định mang tính toàn diện và chi tiết hóa từng yếu tố tác động lên nhà giáo, có sự liên kết, thống nhất, có quy định điều khoản chuyển tiếp giữa dự thảo với các văn bản khác liên quan. Đồng thời, quy định nhiều điểm mới như định danh, tiêu chuẩn, tuyển dụng, biệt phái, thuyên chuyển, thời gian nghỉ hưu… nhằm tháo gỡ hạn chế, bất cập trong công tác quản lý về giáo dục đối với nhà giáo.
Tuy nhiên, trách nhiệm, quyền lợi, phúc lợi hiện nay của nhà giáo đang thụ hưởng bị chi phối bởi nhiều Luật định của các bộ, ngành khác nhau; điều kiện thụ hưởng chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và tính thống nhất cho nhà giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, hiện nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập đang được xem là viên chức và được hưởng các chế độ chính sách của viên chức. Vì thế trong dự thảo Luật Nhà giáo cần xác định rõ nhà giáo còn là viên chức hay không để bảo đảm tính nhất nhất quán? Nếu nhà giáo không còn là viên chức, thì tất cả các chế độ, chính sách đang được hưởng cần có điều khoản chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm tính liên tục, quyền lợi và chế độ của nhà giáo không thấp hơn chế độ đang hưởng.
Đồng thời, cần tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ giáo viên, học bạ học sinh nhằm áp lực từ môi trường làm việc, hồ sơ sổ sách cho giáo viên. Cũng như xem xét quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo không chỉ cấp học mầm non, mà còn ở các cấp học khác khi không còn đủ khả năng lao động, nhất là giáo viên công tác ở các trường chuyên biệt…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đạt được trọng việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, có hệ thống giáo dục không ngừng phát triển với nhiều mô hình giáo dục mới, nhiều cách làm mới, sáng tạo đã được triển khai và đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh những vấn đề mới, bất cập, hạn chế, băn khoăn từ góc độ nghề nghiệp, như nhà giáo có phải hoàn toàn là viên chức không, cùng một đối tượng nhà giáo nhưng được quy định ở các luật khác nhau, chứng chỉ hành nghề của nhà giáo, tình trạng thừa thiếu giáo viên...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa, nhà giáo là viên chức nhưng phải được xác định là viên chức đặc biệt, bởi nhà giáo là nghề đặc biệt; ứng xử với nhà giáo phải có sự tôn vinh; chính sách, môi trường làm việc… phải đúng tầm; mặt khác, nhà giáo cũng phải xứng đáng, phải làm gương. Do đó, mục tiêu cuối cùng là làm sao khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Có thể chưa hoàn thiện triệt để, chưa đáp ứng được toàn diện mong muốn của các thầy cô, nhưng phải tạo điều kiện, động lực để giáo viên yên tâm gắn bó, cống hiến cho nghề nghiệp.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã triển khai, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục mầm non. Hệ thống văn bản chỉ đạo, định hướng cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi và hiệu qủa khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới chương trình giáo dục theo quan điểm lấy trẻ em làm trung tâm; đẩy mạnh công tác xây dựng chương trình chất lượng cao, tiên tiến hội nhập; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và luôn giữ chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.
Hiện, TP. Hồ Chí Minh có 1.248 trường mầm non, trong đó có 474 trường công lập và 774 trường ngoài công lập; 15.661 nhóm, lớp; 340.746 trẻ. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì hiệu quả, tỷ lệ huy động trẻ trong các độ tuổi đến trường, lớp với trẻ nhà trẻ là 32,3%; trẻ mẫu giáo 87,6%; trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi 99,5%.
Song, các cơ sở giám dục mầm non công lập hiện đang gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho đội ngũ nhân viên hợp đồng (theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) vì nguồn ngân sách không cấp để chi trả lương cho đối tượng này, nên nhà trường tự chi trả gây ra thiếu kinh phí, thu nhập của đội ngũ này không cao, chưa thu hút được người lao động.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đánh giá cao sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, nhất là việc ban hành các chính sách đặc thù; việc triển khai các văn bản pháp luật được thực hiện nghiêm túc; hạ tầng giáo dục được đầu tư đồng bộ, bài bản, đặc biệt việc huy động các nguồn lực và thực hiện tốt công tác xã hội hóa để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; phát triển nhanh mạng lưới trường lớp, đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục mầm non.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đinh Công Sỹ đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm hơn tới các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ sở này cũng như công tác thanh tra, kiểm tra, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn tâm lý, bảo đảm thực hiện đúng theo các quy định hiện hành. Đồng thời, cần quan tâm tính toán đến các phương án quy hoạch để bảo đảm việc phổ cập giáo dục khi dân số tăng nhanh; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư có tâm huyết cho việc phát triển giáo dục…
Đoàn khảo sát đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh làm rõ các khó khăn, vướng mắc, từ đó có những đề xuất cụ thể, hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của thành viên Đoàn khảo sát và gửi về cho Đoàn trước ngày 25.7 tới để đưa vào báo cáo khảo sát.
Các ý kiến, kiến nghị sẽ được Đoàn nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo đầy đủ trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật Nhà giáo; cũng như xem xét, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và các điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 - 5 tuổi.