Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện Tổng cục Hậu cần cho biết, đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp quốc phòng, như: Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hình mới…
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn một số bất cập, hạn chế. Đơn cử như Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp” song hiện nay chưa quy định về việc tổ chức quản lý, đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Hoặc cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và quản lý sản xuất quốc phòng chưa đồng bộ, chưa tạo cơ chế tự chủ cho các đầu mối quản lý. Sự thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngoài quân đội tham gia sản xuất quốc phòng còn nhiều hạn chế…
Tổng cục Hậu cần kiến nghị, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sớm được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hậu cần nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ quốc phòng, an ninh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Hậu cần, đặc biệt là phát huy những hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận những kế nghị của Tổng cục Hậu cần; cho biết, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu đầy đủ để có thêm cơ sở để sắp tới tiến hành thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.