Theo Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2020 đến tháng 9.2022, Đoàn đã tổ chức 2 Đoàn giám sát và khảo sát về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH2014. Qua giám sát cho thấy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Thành phố đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018; kịp thời ban hành các quyết định về kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp hiện nay của Thành phố còn một số vấn đề khó khăn. Do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích sân chơi, bãi tập; một số trường còn có cơ sở phụ… nên gặp khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp và hoạt động giáo dục mới gặp rất nhiều khó khăn do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy, trong khi thời gian tập huấn ngắn. Mặc dù được quan tâm bồi dưỡng, nhưng nhiều giáo viên còn lúng túng khi được phân công dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên hay Lịch sử - Địa lý.
Để khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc và tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tích cực tham gia vào công tác xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, góp phần bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế trong công tác giáo dục.
Đoàn cũng kiến nghị cần có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên 2 môn tiếng Anh và Tin học; đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên hai môn này để thu hút và giữ chân giáo viên.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận những kết quả TP. Hồ Chí Minh đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Nhấn mạnh hoạt động giám sát nhằm đánh giá lại hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thực tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nêu rõ, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều mô hình triển khai sáng tạo, đồng thời cũng có nhiều vấn đề đang đặt ra, tồn tại và vướng mắc cần được đánh giá bài bản, thấu đáo để từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ.